Trưa 28/3, nhiều địa phương ở Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh ở Myanmar. Nhiều người hoảng loạn khi thấy đồ vật rung lắc, tháo chạy khỏi các tòa nhà cao tầng.
Để đề phòng những tình huống tương tự, người dân cần có kiến thức về động đất và những biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Theo Viện Vật lý Địa cầu, có một số kỹ năng phòng, tránh rủi ro động đất cơ bản như lập trước kế hoạch phòng tránh an toàn cho nguy cơ động đất, lập kế hoạch cho cả gia đình, quy định nơi gặp nhau sau động đất, danh sách số điện thoại quan trọng… học cách bật, tắt ga, điện, nước.
Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PC07) Công an TPHCM khuyến cáo người dân cần cố định những vật dụng trong nhà như ti vi, gương, máy tính, kệ sách, tủ và đặt xa giường ngủ để hạn chế nguy cơ đổ gây thương tích khi xảy ra động đất.
Người dân cần để dự phòng đèn pin, pin, radio, băng, thuốc... tại những vị trí thuận tiện, dễ lấy.
Một số kiến thức về ứng phó với động đất khác:
Định hình các vị trí trong nhà và lối thoát hiểm khi ở nhà cao tầng, theo dõi thông báo và chỉ dẫn của cơ quan phòng, chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ.
Lưu số điện thoại khẩn của cấp cứu, phòng cháy chữa cháy và các cơ quan chức năng khác để gọi yêu cầu giúp đỡ khi cần như 114 cứu nạn cứu hộ, 115 gọi cấp cứu...
Khi xảy ra động đất, nếu đang ở trong nhà, người dân cần chui xuống gầm bàn/giường để tránh bị vật cứng rơi xuống đầu. Ngồi vào góc phòng và tránh xa các cửa kính. Tránh di chuyển khi các chấn động vẫn đang diễn ra.
Nếu đang ngủ, người dân nằm yên trên giường, bảo vệ đầu bằng gối và nằm úp mặt xuống.
Nếu đang ở ngoài đường, cần tránh xa các tòa nhà cao tầng, đường dây điện, đường hầm, các cây cầu. Nếu đang lái xe, cần dừng xe bên lề đường, không ra khỏi xe cho đến khi động đất dừng lại. Với những người dân ở vùng đồi núi, cần tránh xa chỗ dốc đứng, khu vực đồi nghiêng.
Trong tình huống không may đang ở trong thang máy khi động đất, nếu nguồn điện vẫn hoạt động, nhanh chóng di chuyển đến tầng kế tiếp rồi thoát ra, ở yên trong tòa nhà hoặc thoát ra ngoài bằng lối thang bộ. Nếu mất điện, cần nằm xuống sàn, lấy tay bảo vệ đầu, đợi đến khi hết rung lắc, hoặc thang máy hoạt động lại thì gọi trợ giúp, dùng thang bộ thoát ra ngoài.
Sau khi hết chấn động, người dân tắt cầu dao điện và khóa van bình gas, di chuyển ra ngoài bằng cầu thang bộ, tuyệt đối không dùng thang máy.
Sử dụng đèn pin soi đường thay vì diêm, bật lửa, nến... vì dễ gây hỏa hoạn. Định vị những người thân trong gia đình để đội cứu hộ hỗ trợ nhanh chóng.
Người dân lưu ý tránh xa các bức tường gạch sau khi hết chấn động vì chúng có thể bị suy yếu có thể lật đổ trong các đợt dư chấn. Không bao giờ chạm vào đường dây điện bị rơi hoặc bất kỳ vật thể nào tiếp xúc với chúng.
Trường hợp bị kẹt trong đống đổ nát, cần giữ bình tĩnh, bảo vệ mũi miệng, không cố gắng la hét khi bụi vẫn còn. Tìm cách báo hiệu cho lực lượng cứu hộ xác định vị trí bằng cách dùng còi hoặc gõ, đập mạnh vào vật cứng.
Đối với trường hợp đang ở trong sân vận động hay rạp hát, cần ngồi yên cho đến khi hết chấn động mới di chuyển ra ngoài theo trật tự.
Đối với trường hợp đang ở gần bờ biển, cần di chuyển xa bờ biển bởi động đất có thể gây ra sóng thần.