Trái ngược với những lý thuyết vũ trụ học truyền thống, một siêu Trái Đất mang tên WASP-132c đã bất ngờ xuất hiện giữa một nhóm hành tinh với những đặc điểm bất thường.
Theo nghiên cứu của nhóm khoa học do TS François Bouchy từ Đài quan sát Genève (Thụy Sĩ) dẫn đầu, hệ sao WASP-132 gồm ba hành tinh: WASP-132b, WASP-132c và WASP-132d.
Hành tinh WASP-132b, có khối lượng bằng một nửa Sao Mộc, quay quanh ngôi sao mẹ trong vòng 7,1 ngày. Đây là một "Sao Mộc nóng", loại hành tinh khí khổng lồ giống Sao Mộc nhưng cực kỳ nóng do quay quá gần sao mẹ.
Điều đáng ngạc nhiên là giữa ngôi sao và Sao Mộc nóng, một hành tinh thứ hai, WASP-132c lại xuất hiện. Với khối lượng gấp 6 lần Trái Đất và mật độ tương tự, WASP-132c là một siêu Trái Đất, một loại hành tinh có kích thước lớn hơn nhưng cấu tạo tương đồng với Trái Đất.
Mặc dù nó có tính chất giống Trái Đất nhưng do quỹ đạo quá gần sao mẹ, WASP-132c được cho là một "địa ngục lửa" nơi điều kiện sống không thể tồn tại.
Khám phá này làm thay đổi lý thuyết về sự hình thành và di cư của các hành tinh khí khổng lồ. Trong các hệ sao khác, Sao Mộc nóng thường là "kẻ ăn thịt", hút các hành tinh nhỏ hơn vào quỹ đạo của mình hoặc đẩy chúng ra khỏi hệ sao.
Tuy nhiên, với hệ sao WASP-132, có vẻ như một mô hình di cư hòa bình hơn đã diễn ra, khi Sao Mộc nóng không hất văng các hành tinh khác mà ngược lại, tồn tại song song với một siêu Trái Đất.
Ngoài WASP-132c, nghiên cứu cũng xác nhận sự tồn tại của một hành tinh băng giá khổng lồ, WASP-132d, quay quanh sao mẹ với chu kỳ 5 năm. Phát hiện này đã đặt ra câu hỏi mới về các mô hình vũ trụ học và đòi hỏi các lý thuyết hiện tại cần được điều chỉnh để giải thích sự tồn tại của các hệ sao đặc biệt như WASP-132.