43 năm, chưa có trường hợp đáng sợ nào mà ông chưa gặp. Từ người nghiện, người bị AIDS, cơ thể lở loét, biến dạng, chết các kiểu.... Thậm chí, nhiều trường hợp ông còn đứng ra lo đám tang. Vượt qua tất cả định kiến, ông kiên trì hành trình của mình đến nay.
Tìm đến con hẻm nhỏ thuộc phường 25 quận Bình Thạnh, phóng viên VOH đã có cuộc gặp gỡ và trò chuyện với ông Trần Ngọc Anh.

* VOH: Xin ông chia sẻ về cơ duyên khiến ông gắn bó với công việc này?
Ông Trần Ngọc Anh: Chính là lòng thương người, mình nghĩ rằng người ta cũng là một con người và mình phải giúp họ. Năm 15 tuổi, tôi cứ đi theo xem những người làm công việc này ở các đám tang rồi sau đó “học lóm” các cách thức, chứ không có trường lớp nào dạy về chuyện này.
Nếu sống mà không biết thương nhau thì rất vô vị, mà thường con người hay sống ích kỷ, chỉ biết đến bản thân, không biết đến những người chung quanh. Đó chính là cơ duyên khiến tôi dấn thân làm việc này.
* VOH: Ông có nhớ ca trang điểm tử thi là năm nào?
Ông Trần Ngọc Anh: Ca đầu tiên vào năm 1982, lúc đó có ông cụ ở phường Cô Giang - quận 1, quê ở Bến Tre nhưng lên Sài Gòn lập nghiệp. Thời điểm đó ông cụ bệnh và tôi cũng bị tai nạn giao thông, cả hai nằm viện chung phòng.
Sau khi điều trị xong ông cụ về nhà, tôi cũng về nhà, rồi gia đình đó một thời gian sau có mời tôi đến chơi, lúc tôi đến lại đúng lúc ông cụ trở bệnh nặng và mất, vậy là tôi trở thành người “điểm trang” cho ông cụ để tiễn ông về cõi vĩnh hằng.
Đó là lần đầu tiên tôi “làm nghề” và bắt đầu luôn công việc này cho đến bây giờ. Lúc làm ca đầu tiên này tôi đã nghĩ “nếu mình không giúp thì ai giúp họ?”. Họ cũng là một con người như mình, cũng muốn được hưởng những thứ mà mình muốn. Vì vậy, tôi đến với họ bằng tình thương của con người.
*VOH: Lần đầu tiếp xúc với công việc này, cảm giác của ông như thế nào? Có thấy sợ hay ám ảnh gì không?
Ông Trần Ngọc Anh: Không có gì là khó khăn cả, hết sức bình thường. Trong cuộc sống hàng ngày, đi đám cưới hoặc đi chơi đây đó ai cũng biết ăn mặc đẹp, sửa soạn đẹp, thì khi về cõi vĩnh hằng ai cũng sẽ muốn tươm tất.
Vậy nên mình cũng phải chuẩn bị như thế nào đó để giúp họ đẹp đẽ để ra đi, khi gia đình họ không có điều kiện. Đây cũng chính là niềm an ủi cho những người còn ở lại, nhất là thân nhân của họ trong những giây phút đó.
*VOH: Việc trang điểm cho người đã mất có khác biệt gì so với bình thường?
Ông Trần Ngọc Anh: Sau khi họ tắt thở thì mình lau chùi thi thể sạch sẽ, thay quần áo tươm tất rồi bắt đầu trang điểm. Đánh phấn trước, kẻ lông mày, nếu là phụ nữ thì sẽ đánh son và má hồng. Làm sao cho họ tươi tắn như khi còn sống, nhất là những ca mất do bệnh nặng, do tai nạn...gương mặt sẽ rất khó coi, điều này khiến người thân của họ rất đau lòng.
Mình phải làm thật chỉn chu như một thợ trang điểm, đến khi mình thấy hoàn hảo.

*VOH: 43 năm mình gắn bó với công việc này, trường hợp nào khiến ông nhớ nhất?
Ông Trần Ngọc Anh: Năm 1984, một người quê ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), lấy vợ ở quận Tân Phú (TPHCM). Hoàn cảnh anh này rất tội nghiệp, mẹ vợ đã bảo lãnh cho vợ con anh đi nước ngoài hết rồi, chỉ còn anh ở lại và bị sốt rét cấp tính.
Khi tôi đến thì là 3g chiều, anh trở nặng, tới tầm 7g tối thì nguy kịch. Đến 2g sáng, anh mất, tôi lo mọi việc cho anh từ quần áo đến tắm rửa, lúc đó anh không có bộ đồ nào sạch, phải xin của bệnh viện nhưng cũng lấm bẩn. Đây là một hoàn cảnh mà tôi không thể nào quên.
*VOH: Khi đến với công việc này, ông có gặp trở ngại hay ngăn cản nào từ phía người thân, gia đình?
Ông Trần Ngọc Anh: Gia đình rất tán thành, vì đó là việc nghĩa mà. Ngoài những lúc tôi đi làm việc kiếm sống thì hầu như tôi đã dành thời gian cho công việc này.
Về sau tôi có nhà cho thuê trọ, tôi đã có thêm tiền để giúp đỡ cho người ta nhiều hơn, đầu tư dụng cụ trang điểm, tang ma, có khi làm đám tang cho những gia đình quá khó khăn. Chỉ cần có tình yêu là làm được tất cả.

*VOH: Ông đã từng gặp qua những trường hợp đáng sợ nào khi tiếp xúc với công việc này?
Ông Trần Ngọc Anh: Đó là những người bị AIDS, gia đình họ không bao giờ dám sờ vào thi thể, họ nhờ mình thì mình phải giúp thôi, dần dà tôi cũng thấy bình thường, chưa gặp phải vấn đề gì về sức khỏe, chắc ông trời cũng thương để mình tiếp tục con đường này!
Rồi những người mất do tai nạn, mất do đủ thứ bệnh tật... dù đáng sợ nhưng lâu dần mình cũng quen, tình thương vượt qua tất cả những sợ hãi. 43 năm qua chưa có gì trở ngại, đến tuổi này tôi cũng không còn lo nghĩ gì nữa.
*VOH: Ông nhìn nhận như thế nào về việc từ thiện, và tâm niệm của ông?
Ông Trần Ngọc Anh: Ai thì tôi không biết chứ riêng bản thân tôi làm việc này tuyệt đối không nhận đồng nào, dù người ta có quà cáp gì cũng không nhận, giúp họ xong là về. Có khi một đêm 2,3 cuộc gọi nhờ giúp là bình thường. Giúp được ai thì cứ giúp, sống vô vị lợi và tuyệt đối không đặt vấn đề gì với ai cả.
Tôi chỉ có một tâm niệm đơn giản: “Mỗi ngày không biết tập cho đi thì suốt cả cuộc đời này sẽ chẳng biết cho là gì”. Cho cũng phải tập, tập mỗi ngày và tập cho đến khi chết!
*VOH: Xin cảm ơn ông!