Nhiều tỉnh Trung Quốc ‘dành nhau’ trở thành ‘nơi sinh’ của Na Tra khi phim thu về hơn 35.000 tỷ đồng

TRUNG QUỐC - Các cơ quan quản lý du lịch ở một số tỉnh tại Trung Quốc đã nỗ lực quảng bá địa phương của mình là “nơi sinh thực sự” của nhân vật Na Tra huyền thoại.

Tuy nhiên, các chuyên gia kêu gọi mọi người hãy kiềm chế vì sự cuồng nhiệt dành cho nhân vật hư cấu này đã vượt quá mong đợi.

Tờ The Straits Times đưa tin, bộ phim hoạt hình Na Tra 2 – hay Na Tra: Ma tử chinh phục biển cả - trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại của Trung Quốc, với hơn 10 tỷ nhân dân tệ (hơn 35.118 tỷ đồng) doanh thu bán vé kể từ khi ra mắt vào ngày 29/1 - trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Đây là phần tiếp theo của bộ phim có doanh thu cao nhất của Trung Quốc năm 2019.

na-tra-trung-quoc-170225
Na Tra 2 đã trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại của Trung Quốc, với hơn 10 tỷ nhân dân tệ tiền bán vé kể từ khi ra mắt vào 29/1 - Ảnh: AFP

Bộ phim gây sốt phòng vé này được chuyển thể từ thần thoại Trung Quốc và dựa trên tiểu thuyết Phong thần diễn nghĩa, hay Lễ phong thần, được viết vào thời nhà Minh (1368-1644).

Trong phim, một cậu bé tên là Na Tra, sinh ra với số phận ma quỷ và sức mạnh to lớn, đã chiến đấu chống lại số phận của mình và đánh bại những kẻ xấu cùng với người bạn thân nhất là Ngao Băng.

Theo tiểu thuyết, Na Tra sinh ra ở Chentang Pass vào thời nhà Thương (thế kỷ 16-thế kỷ 11 trước Công nguyên). Tuy nhiên, vị trí của Chentang Pass ngoài đời thực vẫn còn gây tranh cãi, gây ra một "cuộc chiến" về nơi sinh của nhân vật hư cấu này.

Nghi Tân, một thành phố ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên, cho biết, thành phố này có hơn 20 địa điểm, di tích và địa điểm thiên nhiên có liên quan chặt chẽ đến văn hóa dân gian xung quanh Na Tra.

Vào tháng 8/2019, quận Cuiping của thành phố này đã được Hiệp hội Văn học Nghệ thuật Dân gian Trung Quốc đặt tên là "quê hương của văn hóa Na Tra", theo trang web chính thức của chính quyền Nghi Tân.

Các thành phố và khu vực cấp tỉnh khác như Thiên Tân, Hà Nam và An Huy cũng tự nhận là ‘nơi sinh’ của Na Tra, dựa trên những câu chuyện dân gian hoặc di tích lịch sử của họ.

Các chuyên gia cho biết, vẫn rất khó để xác định địa điểm thực sự được miêu tả trong câu chuyện về Na Tra, vì nhân vật này là hư cấu, dù được mô phỏng theo một nhân vật có thật trong lịch sử.

Thực tế là các khu vực ở Trung Quốc đang cạnh tranh để được trở thành là nơi sinh của nhân vật này nhằm hưởng lợi từ bộ phim đang thịnh hành để thúc đẩy du lịch và nền kinh tế.

Số liệu từ các cổng thông tin du lịch dường như ủng hộ tuyên bố này. Theo công ty du lịch trực tuyến LY.com, số lượng đặt phòng khách sạn tại Nghi Tân và giá phòng trung bình đều tăng 30% so với cùng kỳ năm trước từ ngày 1/2 đến ngày 9/2.

Quận Hexi của Thiên Tân chứng kiến ​​lượng đặt phòng khách sạn tăng vọt hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn này.

Cổng thông tin du lịch Qunar cũng đưa tin rằng, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 28/1 đến ngày 4/2, lượng đặt phòng khách sạn tại Nghi Tân đã tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái trên nền tảng của họ.

Bình luận