Chờ...

Phát hiện nhiều thay đổi tính cách kỳ lạ ở bệnh nhân ghép tạng

VOH - Nghiên cứu gần đây đã tìm thấy mối tương quan sâu hơn giữa phẫu thuật cấy ghép nội tạng và sự thay đổi tính cách.

Trong một nghiên cứu được công bố trên Transplantology, các nhà nghiên cứu tại Đại học Colorado (CU) đã yêu cầu 47 người từng được ghép tạng (23 người nhận tim và 24 người nhận nội tạng khác) tham gia một cuộc khảo sát trực tuyến nêu chi tiết trải nghiệm của họ sau phẫu thuật cấy ghép.

Một con số đáng kinh ngạc là 89% tổng số người được cấy ghép đã báo cáo những thay đổi về tính cách sau phẫu thuật, bất kể nội tạng họ nhận được là gì.

ghep-tang-180524

Những thay đổi về tính cách sau phẫu thuật ghép tim đã được ghi chép rõ rang - Ảnh: NYU Langone Health

Nghiên cứu CU là một trong những nghiên cứu đầu tiên theo dõi những thay đổi về tính cách xảy ra sau vô số loại cấy ghép nội tạng.

Science Alert viết rằng, sau cuộc phẫu thuật ghép tim, một số bệnh nhân cho biết họ cảm thấy giống người hiến tặng hơn là chính mình, đồng thời phát triển các sở thích mới về thực phẩm, nghệ thuật, tình dục và các kiểu hành vi.

Một người được ghép tạng đã phát triển tình yêu sâu sắc với âm nhạc sau khi nhận được trái tim của một nhạc sĩ trẻ vào những năm 1990.

Cô nói với các nhà khoa học rằng: “Trước đây tôi chưa bao giờ có thể chơi đàn, nhưng sau khi cấy ghép, tôi bắt đầu yêu âm nhạc. Tôi cảm nhận được điều đó trong trái tim mình”.

Nghiên cứu CU chỉ ra rằng, lòng tự trọng và sở thích của chúng ta rất có thể được chứa đựng trong mọi tế bào của cơ thể chứ không chỉ ở trái tim.

Những người tham gia cuộc khảo sát CU đã báo cáo 4 hoặc nhiều thay đổi về tính cách liên quan đến tính khí, cảm xúc, thức ăn, bản sắc, niềm tin tôn giáo/tâm linh và/hoặc ký ức. Sự thay đổi duy nhất khác biệt giữa người nhận tim và các cơ quan khác là sự thay đổi về đặc tính thể chất.

Các nhà nghiên cứu khẳng định: “Sự tương đồng giữa hai nhóm cho thấy, những người nhận ghép tim có thể không phải là những người duy nhất có trải nghiệm thay đổi tính cách sau khi cấy ghép, mà những thay đổi đó có thể xảy ra sau khi cấy ghép bất kỳ cơ quan nào”. 

Năm 2023, The Post đưa tin, những người được truyền máu cũng có những thay đổi về tâm trạng, hành vi và thậm chí cả ký ức của họ sau thủ thuật này.

Một nghiên cứu của Đại học Michigan năm 2013 cho thấy, “có niềm tin rằng các bộ phận bên trong của mỗi cá nhân có sức mạnh nhân quả, và do đó - nếu chúng kết hợp với nhau - có thể khiến người nhận mang một số đặc điểm của người hiến tặng”.

Science Alert đưa ra “giả thuyết trí nhớ hệ thống” như một lời giải thích khả dĩ. Giả thuyết này cho rằng, tất cả các tế bào sống đều chứa đựng trí nhớ, nghĩa là lịch sử có thể được truyền từ người hiến sang người cấy ghép thông qua mô.

Mặc dù các kết nối thần kinh trong cơ quan được cấy ghép bị cắt đứt, các dây thần kinh vẫn có thể hoạt động bên trong cơ quan đó, với bằng chứng cho thấy kết nối thần kinh có thể được phục hồi ít nhất một phần trong vòng một năm sau phẫu thuật.

Do đó, các tương tác dẫn truyền thần kinh dựa trên ký ức của người hiến tặng có thể gây ra phản ứng sinh lý đối với hệ thần kinh của người nhận và ảnh hưởng đến tính cách của họ”.

Hơn nữa, các nhà khoa học đã phát hiện thấy các tế bào của người hiến tặng vẫn lưu hành ở người nhận khoảng hai năm sau khi cấy ghép.

Theo Science Alert, không rõ những tế bào đó đi đâu nhưng tác động gây viêm của chúng có thể giải thích những thay đổi về tính cách, “DNA, một khi thoát khỏi tế bào, dường như gây ra tình trạng viêm và tình trạng viêm mãn tính, cấp độ thấp đã được chứng minh là làm thay đổi các đặc điểm tính cách”.