Dù khuyên mũi được dùng phổ biến nhất tại Ấn Độ nhưng nó lại có nguồn gốc từ tục lệ xâu mũi ở các quốc gia Arab.
Du nhập vào Ấn Độ từ thế kỷ 16, khuyên mũi được coi là một trong những quy định bắt buộc đối với phụ nữ theo đạo Hindu. Nhìn vào nó, người ta có thể phân biệt được đâu là người theo đạo Hindu, và đâu là người đi theo Hồi giáo.
Người Ấn Độ vẫn có sự ưu tiên đặc biệt dành cho lỗ mũi bên trái. Họ cho rằng, phần cơ thể bên trái có liên quan mật thiết với cơ quan sinh sản của nữ giới. Bấm càng nhiều khuyên, người phụ nữ sẽ tránh được những cơn đau dai dẳng trên bụng dưới trong những ngày kinh nguyệt.
Phụ nữ Ấn Độ lên 16 tuổi đã bắt đầu xỏ những chiếc khuyên đầu tiên. Nếu chậm trễ, cô gái đó sẽ đứng trước nguy cơ “ế” bởi không được Parvathi - nữ thần hôn nhân phù hộ. Ở một số vùng, đây còn là cách người ta nhận biết một cô gái đã có chồng hay chưa.

Phụ nữ Ấn Độ thường dùng các loại khuyên mũi lớn nhỏ xuyên cánh mũi, hoặc đính nhẹ các hạt đá long lanh bên khe mũi để biểu thị tình trạng hôn nhân của mình.
Các thiếu nữ đồng trinh thường không đeo khuyên mũi. Chỉ tới ngày xuất giá, cô dâu mới tô điểm cho khuôn mặt của mình thêm rạng ngời bằng chiếc khuyên mũi được trang trí cầu kỳ và kích thước lớn để đánh dấu thời khắc trọng đại trong cuộc đời.
Người có càng nhiều khuyên sẽ nhận được sự ngưỡng mộ và tôn kính của xã hội. Điều đó chứng tỏ người phụ nữ này có đời sống hôn nhân tình yêu hạnh phúc và bền vững trong nhiều năm.
Phụ nữ đã có chồng thường đeo những chiếc khuyên mũi có kích thước vừa phải, trang trí hài hòa. Và khuyên mũi lúc này trở thành vật bất ly thân của họ. Thậm chí, có người còn khéo léo nối khuyên mũi và khuyên tai, tạo thành một kiểu trang trí độc đáo trên gương mặt.
Đối với những người phụ nữ này, họ phải tuân theo lời dạy của gia đình nhà chồng. Nhiều phụ nữ địa phương sau khi kết hôn không được phép tiếp xúc người khác giới, thậm chí là người nước ngoài.