Chờ...

Tối nay, Việt Nam đón “mưa sao băng kho báu” Orionids cực đại

VOH - Kết quả định vị tại TPHCM cho thấy đêm cực đỉnh của mưa sao băng Orionids đang tỏa sáng trên bầu trời sẽ rơi vào tối 21, rạng sáng 22/10 theo giờ Việt Nam.

Theo Time and Date, đây là cơn mưa sao băng thứ hai có nguồn gốc từ sao chổi nổi tiếng Halley trong năm, sau mưa sao băng Eta Aquarids hồi tháng 5.

Với chu kỳ 76 năm, phải đến năm 2015 Halley mới bay qua gần Trái Đất lần nữa, tuy nhiên mỗi năm hành tinh của chúng ta tự đi qua chiếc đuôi đá bụi của nó 2 lần, gây ra 2 trận mưa sao băng.

Tuy tất cả sao băng là thiên thạch từ đuôi của Halley bị đốt cháy, bừng sáng trong bầu khí quyển Trái Đất, nhưng mưa sao băng sẽ được đặt tên theo tên các chòm sao nơi chúng phát sinh.

Với Orionids, nó sẽ như tỏa ra từ chòm sao Lạp Hộ (Orion), tức chòm sao mang hình người thợ săn.

Tối nay, Việt Nam đón “mưa sao băng kho báu” Orionids cực đại 1
Việt Nam đón “mưa sao băng kho báu” Orionids cực đại

Theo các tính toán, mưa sao băng Orionids năm nay sẽ khá nhỏ, với khoảng 20 ngôi sao băng rơi mỗi giờ trong đêm cực đỉnh.

Gọi là "mưa sao băng kho báu" bởi chính phiên bản "song sinh" của cơn mưa sao băng Orionids này Eta Aquarids đã giúp một gia đình ở New Jersey, Mỹ "trúng số" lớn vào tháng 5 năm nay.

Tại Việt Nam thời điểm lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng này là vào sau nửa đêm 21, rạng sáng 22/10, khi hiện tượng đạt cực điểm và chòm sao Orion (khu vực trung tâm của hiện tượng) đã lên đủ cao. Nếu trời đủ trong (không mây và ít ô nhiễm ánh sáng), chòm sao này rất dễ dàng được nhận ra bởi 3 ngôi sao thẳng hàng tạo thành thắt lưng của Orion và hai sao rất sáng là Betelgeuse và Rigel.

Với sao băng, người quan sát không cần sự hỗ trợ của bất cứ dụng cụ đặc biệt nào để quan sát hiện tượng này. Bạn chỉ cần một bầu trời đủ trong, chọn vị trí quan sát an toàn, và một chút kiên nhẫn.