Yêu cầu giáo viên không gọi học sinh là con – nhiều bình luận trái chiều

(VOH) – Trong những ngày gần đây, nhiều cán bộ giáo dục, giáo viên và các bậc phụ huynh đang bày tỏ nhiều quan điểm khác nhau về yêu cầu thay đổi không gọi học sinh là con như hiện nay.

Vừa qua, trên trang cá nhân của nhà nghiên cứu – phê bình văn học Lại Nguyên Ân có đăng tải đề xuất “yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là con”, đồng thời mong muốn Bộ GD-ĐT sớm ban hành một quy chế về xưng hô trong nhà trường nói chung. Sau những chia sẻ này của ông, có khá nhiều ý kiến và bình luận trái chiều.

Không gọi học sinh là con – thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng

Theo chia sẻ của ông Lại Nguyên Ân, trong quy chế cần nêu rõ một số điều thiết yếu dưới đây:

"Thứ nhất, cấm giáo viên không gọi (xưng hô) học trò là "Con", "Các con"; phải gọi là "Trò", "Các trò", "Các em", "Các bạn".

Thứ hai, yêu cầu các nhà báo, các phương tiện truyền thông không gọi học trò mọi cấp (từ mẫu giáo đến đại học) là "các con", "con", khuyến khích các phương tiện truyền thông gọi học sinh là "các bạn"; Cũng yêu cầu các nhà báo, các viên chức tại các giao tiếp sự vụ và công cộng, phải gọi người dạy học là "giáo viên", "giảng viên", không gọi là "thầy", "cô"; dành riêng cho học trò, người đang đi học cách gọi "thầy giáo", "cô giáo"!

Thứ ba, khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng "Tôi" trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học."

yeu-cau-giao-vien-khong-goi-hoc-sinh-la-con-nhieu-binh-luan-trai-chieu-btv124-voh-0
 

Cũng theo ông cho biết, trên thực tế đây không phải là lần đầu tiên ông quan tâm và bày tỏ ý kiến về vấn đề xưng hô này trong môi trường sư phạm.

Ông cho rằng đằng sau mỗi cách xưng hô của đời sống đều là một mối quan hệ quyền lực: Cách gọi “con” hay “em” thực chất đều nằm trong tư duy “gia trưởng”, coi cả xã hội là một gia đình và các thành viên của xã hội là thành viên của gia đình. Điều này đang làm mất đi sự bình đẳng và quyền được tôn trọng, khẳng định bản thân của học sinh khi tới trường tiếp thu kiến thức.

Thầy cô giáo như cha mẹ - tại sao không được gọi học trò là con?

Chúng ta biết rằng, quỹ thời gian trong ngày của trẻ đều dành phần lớn cho việc học tập và sinh hoạt tại nhà trường, nên thầy cô giáo dường như đã trở thành cha mẹ. Họ góp phần không nhỏ trong việc giúp học sinh từ con người tự nhiên phát triển trở thành con người xã hội, đảm bảo bồi dưỡng cả kiến thức và kĩ năng sống.

Chính vì thế, không ít người bày tỏ quan điểm giáo viên giống như người cha, người mẹ thì gọi học trò là con hoàn toàn hợp lý, đặc biệt với đối tượng trẻ học cấp bậc mầm non hoặc tiểu học.

“Mình nghĩ xưng hô thì sao cũng được, quan trọng là thể hiện sự gần gũi và tôn trọng giữa các mối quan hệ trên ghế nhà trường với nhau. Bao lâu nay văn hóa và truyền thống luôn bảo học sinh là thầy cô như các bậc cha mẹ, thế nên việc giáo viên gọi “con” cũng là điều dễ hiểu. Theo mình thấy, “con” là cách xưng hô tình cảm nhất khi đi học”

“Xét về nguyên tắc mình nghĩ đề xuất này có thể là đúng. Không có nhà trường, thầy cô nào ép các học sinh phải xưng “con” với mình cả. Thế nên, theo mình nghĩ việc xưng “con” tạo nên sự gần gũi, thân thiện,... làm cho thầy cô, học trò thoải mái hơn trong quá trình học tập mà thôi”.

“Việc tôn trọng sự phát triển, sáng tạo của mỗi cá nhân là từ phương pháp giáo dục, chứ không phải do cách xưng hô, thầy cô gọi trò là “con”, hay là “bạn”, là “anh chị” mà tạo thành.”

“Các thầy cô cũng gọi các học sinh là “con”. Chữ “con” đó vừa ấm áp, thân tình, vừa cho thấy trường học cũng là nhà, để mỗi thầy cô có trách nhiệm giảng dạy, dìu dắt, dạy dỗ các trò nên người. Tôi đã ngoài 60 tuổi, đã từng dạy nhiều học trò, các em lấy lập gia đình, sinh con, tôi lại tiếp tục dạy dỗ con cái của các em ấy.”

yeu-cau-giao-vien-khong-goi-hoc-sinh-la-con-nhieu-binh-luan-trai-chieu-btv124-voh-1
 

Cùng với đó, một số cán bộ công tác trong ngành giáo dục cũng đưa ra ý kiến cá nhân rằng việc áp đặt phải xưng hô với học trò ra sao sẽ khiến họ cảm thấy không được tôn trọng và mất tự do. Thói quen xưng hô ra sao đôi khi là đặc thù, lựa chọn riêng của từng giáo viên, hoàn toàn tự nhiên như vốn có.

“…việc xưng hô "con" hay "em", .... không có cơ quan nào quy định cả, hoàn toàn tùy thuộc vào từng giáo viên và các học sinh. Chủ yếu là từ giáo viên. Quy kết cách xưng hô ảnh hưởng đến người học là hoàn toàn không đúng. Trong quá trình học, các bạn trẻ sẽ thay đổi cách xưng hô theo phong cách riêng của từng giáo viên trực tiếp giảng dạy họ. Nghĩa là một người học có thể xưng hô nhiều cách khác nhau tùy từng thời điểm với từng giáo viên khác nhau.”

“Không có chuyện gọi học trò là “con” thì không tôn trọng sự phát triển độc lập của các trò. Cũng không có chuyện khi trò xưng “con” với giáo viên thì các em ấy mất đi chính kiến, bản lĩnh, thui chột đi năng lực tư duy.”

“Theo đề xuất của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân giáo viên không gọi học sinh là "con" còn người học nên xưng "tôi" trong mọi cấp học tôi không đồng tình. Nghe trẻ mầm non gọi “tôi thưa thầy”, “tôi thưa cô’” thật không ổn. Các thầy, cô dỗ dành trẻ, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ lúc nào cũng nói “các bạn lại đây cho tôi””

Ngoài ra, một vài phản biện được nêu ra rằng xưng hô con chính là một thói quen giao tiếp tình cảm, phương ngữ quen thuộc của miền Nam nên rất khó để thay đổi hay ép vào một khuôn khổ nào đó.

Nên lắng nghe ý kiến của học sinh

Dù các cuộc tranh luận vẫn đang diễn ra sôi nổi trên các trang mạng xã hội song có vẻ như đang thiếu vắng sự tham gia từ “người trong cuộc” đó là học sinh. Một số ý kiến cho rằng nên trực tiếp thực hiện khảo sát với đối tượng này, liệu các bạn ấy cảm thấy hài lòng và mong muốn được sử dụng cách xưng hô nào khi tới trường, tới lớp?

Còn bạn, bạn sẽ đồng tình và ủng hộ quan điểm nào trên đây?