Chờ...

Phụ huynh chuẩn bị gì để trẻ trở lại trường học thuận lợi, an toàn?

(VOH) - Chỉ vài ngày nữa là trẻ mầm non và học sinh tiểu học trên địa bàn Thành phố sẽ chính thức trở lại trường học trực tiếp.

Mặc dù, phần lớn phụ huynh đồng thuận và an tâm cho con đến trường học tập trực tiếp nhưng để công tác này được thuận lợi, an toàn vẫn rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền
Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền

Xem: TPHCM sẵn sáng đón học sinh cấp 1 và mầm non đi học trở lại

Xung quanh vấn đề này, VOH có nội dung trao đổi với Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, nhà quản lý một đơn vị trường học quốc tế.  

* VOH: Sau một thời gian dài học sinh tiểu học, mầm non không đến lớp để hỗ trợ phòng chống dịch, tới đây các em trở lại trường - dự kiến sẽ có không ít khó khăn. Dưới góc độ chuyên gia giáo dục, bà có thể chia sẻ về những khó khăn mà phụ huynh, giáo viên và nhà trường phải đối mặt?

- Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền: Các khó khăn của trẻ sẽ khác nhau tùy vào độ tuổi và môi trường gia đình mà trẻ đang được trải nghiệm trong thời gian vừa qua. Vì vậy, sẽ không đồng nhất giữa tất cả các trẻ.

Tuy nhiên, không ít trẻ mầm non sẽ gặp một số vấn đề liên quan đến kỹ năng xã hội vì suốt một thời gian dài trẻ nghỉ dịch, thậm chí có những trẻ chưa từng được đến trường; Hoặc là một số trẻ thời gian gián đoạn, ở nhà quá lâu, tiếp xúc với môi trường gia đình khá hẹp. Bây giờ đi học, trẻ có thể gặp khó khăn như e dè, ngần ngại trong tiếp xúc với người lạ.

Ở trẻ tiểu học, một thời gian khá dài, trẻ học online, chưa từng gặp thầy cô, bạn bè. Nên trong giai đoạn đầu, trẻ phải mất 1-2 tuần làm quen với việc học trực tiếp các quy tắc ở lớp học. Ngoài ra, trong thời gian qua, một không khí bao trùm là sự lo lắng, mà người lớn thảo luận liên quan dịch bệnh Covid-19. Người lớn cũng có thể trao đổi với trẻ về sự lo lắng của họ khi trẻ quay lại trường, trong khi trẻ chưa được tiêm vắc xin. Điều này, ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ khi đến trường. 

* VOH: Để giúp cho trẻ đến trường một cách thuận lợi, vui vẻ, giáo viên, nhà trường, nhà quản lý giáo dục, có cần những giải pháp chính sách gì?

- Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền: Tôi thấy từ quản lý cấp cao đến các trường đều có sự chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng cho việc đưa trẻ mầm non, tiểu học... đối tượng trẻ chưa chích vắc xin, trở lại trường học.

Hiện nay, công văn hướng dẫn từ ngành y tế vẫn dành cho tất cả các đối tượng, chỉ thêm 1-2 dòng dành cho đối tượng mầm non. Vẫn còn một vài chi tiết gây bối rối cho các trường. Tôi cho rằng, một văn bản chi tiết, tỉ mỉ sẽ là sự hỗ trợ tốt cho cả gia đình và nhà trường.

Bên cạnh đó, các trường cần tổ chức phương án phòng dịch và diễn tập, cũng như trao đổi cụ thể với giáo viên, để giáo viên không lo lắng. Hiện nay, các giáo viên mầm non, tiểu học mặc dù rất hào hứng trong việc chào đón trẻ trở lại trường nhưng họ cũng rất lo lắng bởi vì các em là đối tượng trẻ chưa chích vắc xin. Trẻ cũng rất khó trong việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang... Khi giáo viên lo lắng sẽ ảnh hưởng đến công tác thực hành trong nhà trường, có thể gây nên sự căng thẳng cho trẻ. Điều đó khiến cho trẻ thêm lo lắng, cảm thấy đến trường không vui.

Tôi cho rằng, giáo viên cần diễn tập, thảo luận với nhau một cách rõ ràng thống nhất. Khi giáo viên hiểu rõ, họ sẽ thấy bình an hơn, thực hành tốt hơn các giải pháp phòng chống dịch.

Hiện nay, chúng ta đã quay trở lại cuộc sống bình thường mới, việc lây nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu có xảy ra, chung ta sẽ theo đúng các phương án đã diễn tập, bình tĩnh xử lý, đồng thời động viên trẻ, phụ huynh.

Tôi khuyến khích các trường học tổ chức những cuộc gặp gỡ trao đổi phụ huynh. Bất cứ băn khoăn, lo lắng nào của phụ huynh cũng đều chính đáng. Nhà trường cần kiên nhẫn, giải thích, cho phụ huynh biết cách thức xử lý vấn đề trong nhà trường. Khi phụ huynh nhận được càng nhiều thông tin một cách rõ ràng, sự căng thẳng và lo lắng sẽ giảm bớt.

* VOH: Tiến sĩ có nhắn nhủ gì với cha mẹ học sinh để họ có thể an tâm, phối hợp tốt với nhà trường trong việc đón học sinh trở lại trường?

- Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền: Chúng ta hiểu rằng, hiện tại không có giải pháp nào triệt để hoàn toàn không có ca nhiễm. Và chúng ta cũng không thể giữ trẻ lâu hơn, việc đưa trẻ trở lại trường chỉ là sớm muộn. Vì vậy, trước hết phụ huynh cần có thái độ tích cực trong việc đưa trẻ trở lại trường.

Khi phụ huynh có thái độ tích cực, thì các cuộc trò chuyện với con sẽ vui vẻ, nhẹ nhàng, nhắc nhở con thực hành tối đa có thể các biện pháp phòng chống dịch, ví dụ: giữ khoảng cách, không ôm hôn bạn, hắt xì che bằng khuỷu tay, đeo khẩu trang nhiều nhất có thể...

Trò chuyện và rèn luyện các thói quen đó ở nhà cũng giúp cho con phòng tránh được nhiều nguy cơ lây nhiễm ở trường học. Ngoài ra, rất khuyến khích phụ huynh trao đổi nhiều với nhà trường, để chúng ta hiểu những thực hành ở nhà trường và phối hợp.

Có những điều phụ huynh cần phải hỗ trợ nhà trường một cách tích cực, chẳng hạn nếu con mình có dấu hiệu bệnh như hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ... dù không có yếu tố dịch tễ nào liên quan Covid-19, người lớn trong nhà âm tính, phụ huynh vẫn nên sắp xếp người ở nhà chăm sóc trẻ.

Trong vòng 48 giờ, trẻ khoẻ mạnh và không có sự can thiệp của thuốc thang, hãy đưa trẻ trở lại trường. Điều này, mặc dù gây phiền cho phụ huynh, nhưng sẽ giảm thiểu sự lo lắng của các phụ huynh khác trong lớp. Điều này còn thể hiện tinh thần gương mẫu vì cộng đồng.

Mỗi người nhận một chút phần khó về cho chính mình, sức khoẻ cộng đồng xung quanh sẽ được đảm bảo. Sức khoẻ này bao gồm cả sức khoẻ về mặt thể chất, và cả sức khoẻ về mặt tinh thần. Tức là, gửi con đến trường mà phụ huynh không cần phải lo lắng bởi vì mọi người xung quanh đều có ý thức phòng chống dịch. Hành trình đến trường sẽ nhẹ nhàng, có tình huống gì chúng ta cũng sẽ xử lý một cách rất bình tĩnh.

* VOH: Cám ơn bà!