Dưới đây là 5 sai lầm cha mẹ hay mắc phải khi dạy trẻ tuổi thanh thiếu niên:
Không lắng nghe trẻ nói
Cha mẹ không lắng nghe trẻ nói đồng nghĩa với việc trẻ bị tước đi quyền nói lên suy nghĩ của mình trong gia đình. Từ đó, trẻ sẽ bắt đầu thu mình lại, tìm cách giấu những suy nghĩ và tình cảm của mình, ngại giao tiếp với cha mẹ và cả với bạn bè, người thân.
Nếu tình trạng này kéo dài, trẻ có thể bị bệnh trầm cảm và luôn sống trong cảm xúc buồn bã, thất vọng hay oán giận. Vì thế, cha mẹ hãy dành thời gian cho trẻ nói lên những quan điểm của trẻ. Nếu cha mẹ có kế hoạch gì cho cả gia đình hoặc cho trẻ thì có thể trao đổi với trẻ để xem phản ứng của trẻ thế nào.
Đôi khi việc lắng nghe trẻ cũng là giải pháp tốt để cha mẹ học hỏi thêm những góc nhìn mới qua suy nghĩ và đôi mắt của trẻ.
Xem thêm: Bộ sách “Làm bạn với cơn giận” giúp bé kiểm soát cơn giận
Đọc quá nhiều sách nuôi dạy trẻ
“Thay vì tin vào bản năng sẵn có của những người cha, người mẹ thì có rất nhiều phụ huynh lại tìm đến những lời khuyên của các chuyên gia về cách nuôi dạy con cái.
Nhiều người cố gắng tự ép buộc mình vào những lời khuyên mà họ đã đọc trong sách và cố gắng làm theo ngay cả khi nó không phù hợp với mình”, theo Tiến sĩ Robert Evans, tác giả cuốn sách Những vấn đề gia đình: Làm thế nào để đối phó với những khủng hoảng trong việc nuôi dạy trẻ.
Đương nhiên là các cuốn sách, cẩm nang dành cho cha mẹ không hề xấu hay vô ích. Sách sẽ phản tác dụng khi cha mẹ không áp dụng phù hợp với hoàn cảnh của mình hoặc khi cha mẹ quá máy móc, tin tưởng tuyệt đối vào những lời khuyên trong sách vở thay vì bản năng làm cha mẹ của mình.
Tiến sĩ Evans nhấn mạnh, nếu các lời khuyên trong sách và cách nuôi con của cha mẹ đối lập nhau thì cha mẹ sẽ cảm thấy căng thẳng và tự ti trước mặt trẻ.
Cha mẹ hãy đọc sách để có thêm kiến thức, biết được những hành vi khó hiểu của trẻ, sau đó gấp sách lại và tin rằng mình đã học được những gì cần phải làm, từ đó xử lý tình huống theo cách của mình.
Cha mẹ cần phải hiểu rõ được những gì là quan trọng nhất đối với mình và gia đình của mình.
Lo lắng cả những điều nhỏ nhặt
Bạn không thích kiểu tóc của con gái hay bộ quần áo trẻ đang mặc và muốn can thiệp vào việc thay đổi? Hoặc khi trẻ không được tham gia vở kịch mà bạn nghĩ trẻ xứng đáng? Nhưng trước khi can thiệp thì hãy cố gắng dành thời gian quan sát.
Nếu đó chỉ là chuyện nhỏ thì hãy để trẻ tự mình đưa ra lựa chọn và đối mặt với hậu quả của những việc trẻ đã quyết định. Điều này sẽ giúp trẻ học hỏi và trưởng thành hơn rất nhiều.
Thực tế, hiện nay, có rất nhiều cha mẹ bao bọc con cái quá mức, khiến trẻ mất đi những cơ hội học tập và trải nghiệm quý báu từ thực tiễn, điều này sẽ không có ích khi trẻ ra ngoài xã hội và đối mặt với những thử thách của cuộc sống.
Tất nhiên, bạn vẫn nên ở đó để hướng dẫn trẻ nhưng hãy nhớ rằng chỉ nên đứng ở đằng sau thôi và để cho trẻ biết rằng bạn luôn ở đó vì họ, sẵn sàng giúp đỡ khi trẻ vấp ngã để trẻ trưởng thành hơn sau mỗi lần đó.
Bỏ qua những vấn đề lớn
Nếu bạn chỉ đang nghi ngờ trẻ sử dụng rượu hay ma túy thì tuyệt đối đừng tặc lưỡi cho qua chỉ vì chưa tìm thấy bằng chứng xác thực.
Ngay cả khi đó chỉ là một ít rượu hay một điếu thuốc thì bạn cũng cần phải ngăn cản càng sớm càng tốt, trước khi việc này trở nên trầm trọng hơn.
Cha mẹ cần phải để ý theo dõi những thay đổi bất thường trong hành vi, ngoại hình, thành tích học tập hay bạn bè của con trẻ.
Hãy luôn nhớ rằng không chỉ những thứ to tát như ma túy mới nguy hiểm mà các loại chất kích thích khác cũng rất nguy hiểm nếu lạm dụng quá nhiều.
Hãy quan sát kỹ những dấu hiệu của trẻ để can thiệp kịp thời. Đồng thời bạn cũng phải kiểm soát được lượng thuốc ở trong nhà và hiểu được công dụng của chúng.
Kỷ luật quá nhiều hoặc quá ít
Một số cha mẹ khi cảm thấy trẻ có hành vi không đúng là lập tức can thiệp đến mức gây ra sự khó chịu cho con cái. Số khác thì lại tránh tất cả mọi xung đột với trẻ vì sợ họ sẽ không quan tâm đến mình nữa.
Thay vì làm như vậy, bạn nên tìm kiếm một sự cân bằng giữa việc kiểm soát trẻ và việc cho trẻ có một chút tự do cá nhân.
Nếu bạn kiểm soát trẻ quá chặt, trẻ sẽ lớn lên trong một môi trường cứng nhắc. Và chắc chắn bạn đang bỏ lỡ cơ hội để trẻ học cách tự mình giải quyết vấn đề bởi vì những gì bạn đang làm là quyết định thay cho họ.
Tuy nhiên kỷ luật quá ít cũng không được. Cha mẹ cũng cần phải dùng những biện pháp kỷ luật cần thiết để trẻ nhận biết rõ được ranh giới và các quy tắc để có thể tự mình khám phá thế giới bên ngoài một cách an toàn.
Cha mẹ nên tìm hiểu và tìm cách tiếp cận với trẻ, giúp trẻ hiểu dần ra vấn đề, giúp trẻ có thể phát triển các kỹ năng cần thiết để tự chịu trách nhiệm với những việc làm của mình theo những cách phù hợp.
Cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Dù là tuổi thanh thiếu niên, các trẻ cũng đã đủ lớn để tự quyết định một số vấn đề nhưng các trẻ vẫn mong muốn cha mẹ hãy dành thật nhiều thời gian bên mình, bởi bên cha mẹ, các trẻ sẽ luôn cảm thấy an tâm và bình yên khi trở về nhà.