Áp lực trong những ngày thi cử là điều không thể tránh khỏi do tâm lý căng thẳng, hồi hộp nên nhu cầu năng lượng và một số chất cần thiết sẽ tăng nhiều hơn so với bình thường. Dinh dưỡng cao hơn sẽ giúp cho não bộ hoạt động hiệu quả, không bị mệt mỏi và quá tải. Lúc này, công suất hoạt động của não tăng gấp 3 - 4 lần so với thông thường.
Áp lực ngày thi cử làm nhu cầu về năng lượng tăng nhiều hơn so với mức bình thường.(Ảnh Thụy Ngân)
Ăn uống đầy đủ, điều độ và khoa học
- Tuyệt đối không bỏ bữa, nhất là bữa sáng. Sau thời gian dài căng thẳng khi học bài khuya, cơ thể sẽ bị “cạn kiệt” năng lượng nếu bỏ bữa sáng càng khiến đầu óc thiếu minh mẫn học tập.
- Sau khi ăn xong, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, đi dạo, hít thở sâu chừng 30-60 phút cho đầu óc được thư giãn.
- Ăn uống rất cần thiết nhưng không vì vậy mà cố gắng ăn cho no căng bụng. Câu nói “căng da bụng chùng da mắt” quả thật không sai vì máu sẽ tập trung về dạ dày và ruột để tiêu hóa thức ăn, gây giảm lượng máu lên não, khả năng tiếp thu bài vở bị suy giảm.
- Tránh ăn những món nguội, lạnh. Không ăn thực phẩm gây khó tiêu, ăn uống vệ sinh để tránh bị ngộ độc thực phẩm.
- Sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường trong nêm nếm thức ăn.
“Ăn được ngủ được là tiên”
Bên cạnh việc ăn uống đầy đủ dinh dưỡng thì các em cần sắp xếp hài hòa thời gian sinh hoạt, học tập và nghỉ ngơi hợp lí.
- Ngủ đủ giấc, đảm bảo 6-8 tiếng mỗi ngày.
- Nên học từ 19h, ngủ trước 23h và dậy từ 5h sáng hôm sau để học tiếp (thời gian lúc này học rất hiệu quả).
- Ngủ trưa chỉ từ 30 phút đến 1 tiếng.
- Nên nhớ, bộ não chỉ tập trung hoạt động liên tục 45 phút, sau đó cần phải được nghỉ ngơi mới có thể tiếp tục lưu giữ kiến thức.
- Khi học nếu thấy quá mệt và căng thẳng thì nên chợp mắt hoặc nghỉ ngơi 10 phút rồi học tiếp, không nên ép cơ thể phải dồn nén chỉ làm tiêu hao nhiều năng lượng, năng suất học tập chỉ thêm kém hơn.
Thực phẩm tốt cho trí não
Nước: Nước rất tốt cho trí não vì 80% bộ não là nước. Đừng đợi khát mới uống mà phải nạp đủ 2 lít nước/ngày.
Ngoài ra, các sĩ tử cũng có thể ăn các loại trái cây chứa nhiều nước như lê, dưa hấu, cam, quýt, nho… cũng là một cách bổ sung lượng nước cho cơ thể.
Ảnh: Thụy Ngân
Trứng: quan niệm ăn trứng sẽ dễ bị điểm 0 đã khiến các sĩ tử bỏ qua một loại thực phẩm giàu protein và dinh dưỡng. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều, đặc biệt là không nên ăn trứng vào buổi tối.
Nấm: cung cấp đạm, chất béo, carbohydrat và vitamin... Nấm có giá trị dinh dưỡng rất cao, nên được ưu tiên trong thực đơn ăn uống.
Đậu phụ (tàu hủ): trong đậu phụ chứa đạm thực vật giúp dễ tiêu hóa. Bên cạnh đó, các món ăn từ đậu phụ cũng không phức tạp, chế biến nhanh và dễ ăn.
Các loại đậu, hạt: đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, hạt sen... Đây là nguồn thực phẩm cung cấp vitamin, khoáng chất và đạm thực vật, phù hợp để hỗ trợ các sĩ tử trong những bữa ăn phụ.
Cá: cung cấp các axit béo (omega) có lợi cho hệ tim mạch, thần kinh. Cá cung cấp nguồn chất đạm được ủng hộ hơn so với các loại thịt đỏ.
Các loại củ quả: ưu tiên loại quả có màu vàng, đỏ như ớt chuông, cà rốt…để cung cấp nhiều vitamin A cho mắt. Bên cạnh đó là ăn chuối, cam, quýt….để bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
(Ảnh: Thụy Ngân)
Sữa chua: ăn 1-2 hộp sữa chua/ngày để cung cấp lợi khuẩn, giúp hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh, bảo vệ đường ruột và hệ miễn dịch.
Sữa: uống một ly sữa ấm trước khi ngủ hoặc trong các bữa ăn phụ để bổ sung thêm năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Các loại rau có màu xanh đậm: có nhiều sắt và vitamin nhóm B rất tốt cho các sĩ tử như rau ngót, rau dền, cải bó xôi…
Bên cạnh đó, học thi không có nghĩa là ngồi thụ động một chỗ. Các em có thể tự do chơi thể thao, vận động ngoài trời trong thời gian nghỉ ngơi.
Tuy không phải là một loại “thức ăn bồi bổ trí não” nhưng hoạt động thể lực sẽ giúp máu lưu thông tốt, mang oxy và dưỡng chất tới cho não nhiều hơn nên các em sẽ “sáng trí” hơn khi học tập.