Theo báo cáo mới đây của Sở Giáo dục và Đào tạo, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 40 trường thực hiện mô hình "Trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế tại TPHCM".
Trường tiên tiến hội nhập có mục tiêu giúp học sinh hứng thú học tập, chủ động, tích cực, sáng tạo, biết san sẻ, học hỏi lẫn nhau. Học sinh tham gia được phát huy tối đa năng khiếu, được rèn luyện phẩm chất, trau dồi kỹ năng thực hành xã hội, được tiếp cận với phương pháp giáo dục hiện đại, với những công nghệ tiên tiến đồng thời được trang bị kỹ năng ngoại ngữ, tin học theo chuẩn quốc tế, nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc. Mô hình được triển khai thí điểm đầu tiên từ năm 2005 tại trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn.
Năm 2015, mô hình được phê duyệt triển khai tại 3 trường gồm Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, Trung học phổ thông Nguyễn Hiền. Mô hình ngày càng được nhận được sự tin tưởng của xã hội. Các trường tiên tiến hội nhập thực sự trở thành những đầu tàu kéo chất lượng giáo dục của từng địa phương phát triển.
Ngoài cơ sở vật chất được đầu tư khang trang theo hướng hiện đại, đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn, sỉ số lớp học thấp, các trường triển khai mô hình tiên tiến hội nhập còn là những cơ sở tiên phong triển khai triển khai các chỉ đạo đổi mới của ngành giáo dục Thành phố.
Cụ thể, cấp mầm non: cho trẻ làm quen tiếng Anh, giáo dục theo phương pháp tiên tiến Montessori, STEM...; cấp phổ thông: thực hiện các chương trình dạy tiếng Anh - tin học theo chuẩn quốc tế, giáo dục STEM, STEAM, trí tuệ nhân tạo AI...
Thực tế triển khai cho thấy số đơn vị xây dựng để thực hiện theo đề án này càng tăng. Tính đến năm học 2020 - 2021 có 40 trường, gồm 16 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 8 trường trung học cơ sở và 3 trường trung học phổ thông thực hiện mô hình trường tiên tiến hội nhập. Tổng số học sinh đang theo học mô hình trường tiên tiến là hơn 24.000 học sinh.
Ngoài ra, hiện còn có hơn 10 trường ở các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức đăng kí thực hiện mô hình này ở thời gian tới.