Chờ...

Trường học tại Anh sẽ dạy học sinh cách phát hiện tin giả trên mạng

ANH - Ngày 11/8, Chính phủ Anh cho biết, các trường học ở nước này có thể sẽ dạy trẻ em cách phát hiện nội dung giả mạo, theo kế hoạch trong chương trình giảng dạy quốc gia.

Bộ trưởng Giáo dục Bridget Phillipson cho biết, bà đang triển khai đánh giá chương trình giảng dạy ở các trường tiểu học và trung học để đưa tư duy phản biện vào nhiều môn học.

Bà Phillipson phát biểu với tờ Sunday Telegraph rằng: "Điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta phải cung cấp cho trẻ kiến ​​thức và kỹ năng để các em có thể sàng lọc những gì mình xem trên mạng".

"Đó là lý do tại sao quá trình xem xét chương trình giảng dạy, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch lồng ghép các kỹ năng quan trọng vào bài học để trang bị cho trẻ chống lại thông tin sai lệch, tin tức giả mạo và các thuyết âm mưu tràn lan trên mạng xã hội" – bà nói.

hoc-sinh-anh-120824
Học sinh sẽ được phân tích các bài báo trong các bài học tiếng Anh để giúp phát hiện ra những thông tin giật gân bịa đặt

Những thay đổi dự kiến là, học sinh sẽ phân tích các bài báo trong các bài học tiếng Anh để giúp phát hiện thông tin giật gân bịa đặt, trong khi các lớp học máy tính sẽ giúp học sinh phân tích số liệu thống kê theo ngữ cảnh.

Tuy nhiên, theo tờ Telegraph, các cải cách sẽ chưa có hiệu lực cho đến thời điểm năm học bắt đầu vào tháng 9/2025.

Các động thái này sẽ được kết hợp với việc quản lý chặt chẽ hơn các trang mạng xã hội và nội dung trực tuyến - khi Thủ tướng Keir Starmer đề xuất hành động ngay lập tức vào ngày 9/8.

Những thông tin trên được đưa ra sau tình trạng hỗn loạn gần đây tại hơn chục thị trấn và thành phố ở Anh (kể từ vụ tấn công bằng dao ở Southport) mà các quan chức cho biết là do thông tin sai lệch trên mạng và những kẻ kích động cực hữu gây ra.

Vụ đâm dao, được cho là do Axel Rudakubana, người Anh, lúc đó 17 tuổi, thực hiện, đã khiến 3 trẻ thiệt mạng. Cảnh sát chưa tiết lộ động cơ của vụ tấn công nhưng cho biết vụ việc không được coi là khủng bố.

Ngay sau thảm kịch, nhiều lời đồn đoán trên mạng đã đưa tin sai sự thật rằng Rudakubana là một người nhập cư theo đạo Hồi.