Chờ...

Quảng Ngãi có gần 300 điểm nguy cơ cao sạt lở núi, bờ sông và lũ quét

QUẢNG NGÃI - Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, tỉnh Quảng Ngãi có 137 điểm có nguy cơ cao sạt lở núi, lũ quét và 157 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 217.229 mét.

Nhiều điểm trong số đó có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của dân và cở sở hạ tầng trong địa bàn.

Huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở núi, sạt lở đất, đe doạ đến tính mạng, nhà cửa của người dân.
Huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương thường xảy ra sạt lở núi, đất

Qua mỗi mùa mưa, số điểm sạt lở bờ sông Vệ và sông Phước Giang ở huyện Nghĩa Hành ngày càng tăng, mức độ và tốc độ xâm thực sâu, đe dọa nhà dân cũng như các tuyến đường giao thông. Nặng nề nhất là sạt lở bờ sông Vệ, ở xã Hành Tín Đông và sạt lở bờ sông Phước Giang, đoạn qua khu dân cư Đồng Giá, thuộc xã Hành Minh và tổ dân phố Phú Vinh Tây, thị trấn Chợ Chùa.

Một người dân ở thị trấn Chợ Chùa cho biết: "Dù chính quyền địa phương đã khảo sát, nắm tình hình sạt lở và cho cắm các biển cảnh báo, nhưng mỗi khi mưa lớn, nước sông dâng cao là chúng tôi lại nơm nớp lo đất trôi, nước cuốn nhà. Mỗi khi mưa lớn, bờ sông Phước Giang sạt lở còn kéo theo sa bồi thủy phá, khiến việc sản xuất hoa màu gặp rất nhiều khó khăn".

Nguy cơ sạt lở đất không chỉ xảy ra ở đồng bằng mà nhiều huyện miền núi ở Quảng Ngãi cũng thường xuyên xảy ra sạt lở vào mỗi mùa mưa bão. Địa bàn 5 huyện miền núi có trên 1.800 hộ với hơn 7.300 nhân khẩu đang sinh sống ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân. Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến 2025 sẽ đầu tư 35 khu tái định cư ở miền núi cho khoảng 1.000 hộ dân, thực hiện di dời xen ghép cho gần 300 hộ và bố trí ổn định tại chỗ cho 559 hộ dân vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống.

Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tình trạng sạt lở núi, bờ sông và bờ biển ở Quảng Ngãi trong mùa mưa bão ngày càng diễn biến phức tạp và đang có xu hướng gia tăng. Tỉnh cần được bố trí nguồn kinh phí để khắc phục các khu vực có nguy cơ sạt lở cao nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và bảo vệ, phát triển hạ tầng bền vững.