Để chuẩn bị báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định, Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức đoàn công tác khảo sát thực tế dự án tại các tỉnh từ Hà Nội đến Nam Định vào ngày 27/10 và từ TPHCM đến Khánh Hòa vào đầu tháng 11/2024.
Đây là bước chuẩn bị quan trọng trước khi báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để xem xét chủ trương đầu tư dự án.
Theo kế hoạch, tuyến đường sắt này sẽ có tổng chiều dài 1.541 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, và bao gồm 23 ga hành khách cùng 5 ga hàng hóa trên toàn tuyến. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 67,34 tỷ USD, với hy vọng sẽ khởi công vào năm 2027 và hoàn thành vào năm 2035.
Tại buổi làm việc, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự án trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Các đại biểu Quốc hội thống nhất cao cần thiết làm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để góp phần tăng cường kết nối vùng, miền, cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới.
Tuy nhiên, cần làm rõ các yếu tố như vị trí ga, hướng tuyến, khả năng kết nối với hệ thống giao thông; một số vấn đề về tiến độ triển khai, tính khả thi để có thể khởi công năm 2027; nguồn vốn Trung ương, địa phương; phương án giải phóng mặt bằng để đảm bảo hiệu quả đầu tư....
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng báo cáo cụ thể về lý do, lợi ích và nhược điểm của hướng tuyến, vị trí ga đoạn đi qua các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, hướng tuyến của dự án được tính toán kỹ lưỡng dựa trên nhu cầu và quy hoạch địa phương, trong đó ưu tiên xây dựng tuyến đi trên cầu cạn nhằm giảm diện tích đất sử dụng, hạn chế ảnh hưởng đến cộng đồng và địa hình miền Trung.