Trên thế giới hiện nay có hơn 10 hãng xe đang áp dụng công nghệ gigacasting, hầu hết là ở Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc. Hiện nay, Tesla sử dụng máy ép gigapress với áp suất kẹp từ 6.000 tấn đến 9.000 tấn. Nhờ công nghệ này, hãng Tesla đã cắt giảm được tới 40% các chi phí liên quan. Trọng lượng của phần thân sau mẫu xe Model Y cũng đã giảm 30%.
Theo Nikkei, tập đoàn Toyota Motor cũng dự kiến sẽ lắp đặt một máy đúc khổng lồ (gigacasting) tại một nhà máy ở Nhật Bản trong năm nay.
Gigacasting là quá trình tạo ra các mô-đun lớn cho xe bằng cách kết hợp nhiều bộ phận lại với nhau bằng hợp kim nhôm nóng chảy được đưa vào máy đúc ở áp suất cao. Bằng cách đúc nhiều phần lại với nhau chỉ trong một bước, nhà sản xuất xe điện có thể giảm khối lượng xe và cải thiện hiệu quả sản xuất.
Máy gigacasting của Toyota sẽ đặt tại trung tâm sản xuất ở tỉnh Aichi, do công ty Nhật Bản Ube Machinery sản xuất.
Thiết bị này sẽ có kích thước rộng 10 mét, dài 22 mét và cao khoảng 7 mét, chiếm diện tích tương đương một sân tennis. Toyota có kế hoạch ứng dụng gigacasting vào sản xuất LF-XC, mẫu xe điện thế hệ mới sẽ ra mắt vào năm 2026 dưới thương hiệu Lexus. Tại đây, thân xe sẽ được chia thành ba phần: trước, giữa và sau.
Các phần trước và sau sẽ được sản xuất bằng phương pháp gigacasting. Trong quá trình thử nghiệm nguyên mẫu, phần sau vốn cần đến 86 bộ phận và 33 quy trình, sẽ được tạo thành mô-đun chỉ trong một quy trình duy nhất.
Máy gigacasting của Toyota dự kiến được sử dụng để tạo nguyên mẫu các thành phần xe điện chứ không phải để sản xuất hàng loạt. Hãng sau đó sẽ đánh giá xem liệu công nghệ này có giúp giảm số lượng bộ phận và quy trình cũng như làm xe điện nhẹ hơn hay không.