Đăng nhập

Gia nhập TPP: Vừa mừng, vừa lo

(VOH) - Sáng sớm trong quán cà phê quen thuộc, hầu hết khách uống cà phê đều tập trung bàn tán rôm rả việc nước mình gia nhập TPP, Ba thợ hồ một công nhân đặc sệt 100%, chuyên “xách xi măng đi tô” thắc mắc TPP là gì? tại sao báo chí và rất nhiều cán bộ nhà nước đều kỳ vọng vào TPP.

Mọi người trong quán chỉ định nhà báo Hai Sài Gòn giải thích cho anh em trong quán biết.

img thumbXem toàn màn hình

TPP là sân chơi sòng phẳng của thế giới. Ảnh: AFP

Thực tình, Hai Sài Gòn chỉ nắm bắt thông tin qua báo đài và các cuộc họp ở cơ quan, không phải là chuyên gia “kinh bang tế thế toàn cầu” nên biết gì Hai tui xin nói nấy. Đầu tiên để trả lời Ba thợ hồ TPP là gì? Đó một thỏa thuận thương mại tự do với sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam. TPP là viết tắc của tiếng Anh Trans-Pacific Partnership. Ngoài ra, các nước Colombia, Philippines, Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến TPP.

Mục tiêu của TPP là thắt chặt hơn mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia này, thông qua các biện pháp giảm, thậm chí là loại bỏ hoàn toàn trong một số trường hợp các hàng rào thuế quan giữa các nước, giúp tăng cường trao đổi hàng hóa và dịch vụ.

Cùng với tăng cường dòng chảy vốn, TPP cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của 12 nước thành viên.

Ba thợ hồ sốt ruột hỏi “vậy chứ khi mình gia nhập TPP thì mình được gì và mất gì?”. Tư hưu trí làm thài lai: thì như mấy anh biết đó, nội chuyện họp bàn các nội dung giữa các nước với nhau cũng kéo dài 4-5 năm phải tiến hành gần 30 cuộc họp, mà cuộc họp nào cũng “nảy lửa” thậm chí có phiên phải nhờ tới nguyên thủ quốc gia “xuất tướng” nữa. Vậy nên khi mình gia nhập vào TPP thì sẽ có thị trường rộng hơn; GDP có thể tăng thêm 8% - 10% đến năm 2030, thậm chí còn nhiều hơn. Đây là cú hích lớn cho Việt Nam nhưng cũng đem lại áp lực cho nhà sản xuất trong nước. Họ phải cạnh tranh quyết liệt hơn, nhưng điều này sẽ thúc đẩy năng suất lao động; rất tốt cho Việt Nam trong tăng trưởng dài hạn.

Tới đây thì Tư hưu trí “tịt ngòi” bèn cầu cứu Hai Sài Gòn cung cấp thêm thông tin cho anh em trong bàn cà phê. Hai Sài Gòn cho biết là theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP; GDP Việt Nam có thể tăng thêm 35,7 tỷ USD vào năm 2025 nếu ngành sản xuất nội địa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật của các đối tác.

Tham gia vào TPP, Việt Nam có nhiều cơ hội và thuận lợi cơ bản, đó là: Mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường xuất khẩu nông sản. Việt Nam sẽ tiếp cận sâu rộng hơn vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam vào các nước thành viên TPP đạt 58,41 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong quan hệ thương mại với các nước TPP, Việt Nam ở vị thế xuất siêu khá lớn, xuất siêu tới 7/11 thị trường của TPP. Điều quan trọng nhất là, thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa sẽ được giảm xuống 0%, là cú hích mạnh cho xuất khẩu, tác động tích cực đến thu nhập của người dân, cải thiện sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Đó là những thông tin về cơ hội của VN mình khi gia nhập TPP mà Hai Sài Gòn ghi nhận được, tất nhiên TPP là sân chơi sòng phẳng của thế giới, anh vào đó phải luôn nhớ câu dân gian “yếu đừng ra gió”.

Ba thợ hồ lại thắc mắc “như vậy là thế nào?”.

Tư hưu trí lại “mở đài, phát sóng” liền: Bên cạnh những thuận lợi lớn, TPP cũng đặt ra nhiều thách thức lớn cho nước mình đó là, mặc dù xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng cơ cấu hàng xuất khẩu chưa mang tính hiệu quả, chủ yếu xuất khẩu hàng có công nghệ thấp, thâm dụng lao động như hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất...

Xuất khẩu chủ yếu nguyên liệu thô, chưa qua sơ chế hoặc gia công đã khiến việc cạnh tranh về giá cả, chất lượng, giá trị tăng thêm của hàng hóa trở nên yếu. 

Quy mô doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ, không thâm nhập được vào hệ thống phân phối chính khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên không bền vững, không chi phối được thị trường. Tham gia TPP sẽ tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn. Ngành chăn nuôi sẽ đối mặt sự cạnh tranh quyết liệt…

Thấy Tư hưu trí đuối sức, Hai Sài Gòn tiếp tục thông tin, Việt Nam cũng sẽ gặp phải thách thức cạnh tranh, có thể dẫn tới phá sản và tình trạng thất nghiệp ở các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu, không được chuẩn bị kỹ cho hội nhập; việc giảm thu ngân sách từ giảm thuế nhập khẩu sau khi thực hiện TPP.

Hơn nữa, việc giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn. Sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, nhất là các hàng nông sản và nông dân là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong hội nhập.

Chỗ này, Hai Sài Gòn nhấn mạnh với anh em là các nước tham gia TPP có xu hướng đàm phán nhằm giữ bảo hộ đối với nông sản nội địa. Khi đó, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến hơn với yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, trong khi đây là điểm yếu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Hàng nhập khẩu tăng, xuất khẩu không tìm được đường vào thị trường các nước sẽ khiến nông nghiệp đứng trước những khó khăn. Để bảo hộ hàng hóa trong nước, Việt Nam tất yếu cũng sẽ áp dụng các hàng rào phi thuế quan.

Nếu rào cản kỹ thuật chưa có hoặc kém, các biện pháp vệ sinh dịch tễ không hiệu quả sẽ khiến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng thấp. Một điểm nữa là, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác phải có xuất xứ nội khối, không sử dụng các nguyên liệu của nước thứ ba ngoài thành viên TPP mới được hưởng ưu đãi thuế suất 0%. Hàng xuất khẩu của chúng ta hiện nay lệ thuộc vào nguyện liệu của Trung Quốc và Hàn Quốc rất nhiều.

Thông tin sốt dẻo cho bạn bè về tình hình nước mình gia nhập TPP, rồi Hai Sài Gòn “túm” lại là điều quan trọng nhất không phải là ký kết mà là cải cách để thực hiện những cam kết đó, để lớn mạnh lên về mặt chất lượng, chứ không phải số lượng. Hơn nữa, các nước thành viên TPP cũng thông cảm và chấp nhận cho chúng ta là nước kém phát triển nhất trong số 12 thành viên nên sẽ có lộ trình, bước đi cụ thể. Đây là thời gian mà chúng ta phải tận dụng để cải cách sớm hội nhập. Tới đây thì Ba thợ hồ mới “à thì ra là vậy".

Bình luận