Đăng nhập

Hành trình từ kỹ sư bảo dưỡng máy bay trở thành phi công

00:00
04:39
04:39
VOH - Từ một kỹ sư bảo dưỡng máy bay, sau nhiều làm việc và kiên trì học tập, anh Trần Nguyễn Minh Toàn đã trở thành cơ phó của hãng VietJet Air.

Cơ phó Trần Nguyễn Minh Toàn là cựu sinh viên khóa 1 hệ đại học tại Học viện Hàng không Việt Nam. Anh từng theo học chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông hàng không, ngành Kỹ thuật điện tử truyền thông khóa 2007-2011.

Anh Toàn cho biết, năm 2003, hàng không là một ngành được nhiều người ao ước và ngưỡng mộ. Khi anh đang chuẩn bị chọn ngành vào đại học thì nghe tin Học viện Hàng không Việt Nam tuyển sinh khóa 1 hệ đại học – nên anh đã chọn học tại ngôi trường này.

Sau khi tốt nghiệp, anh được nhận vào làm việc tại hãng Hàng không VietJet Air với vị trí kỹ sư kỹ thuật máy bay.

phi-cong- 260325-2Xem toàn màn hình
Anh Trần Nguyễn Minh Toàn (bên phải) trong ngày nhận bằng tốt nghiệp - Ảnh: NVCC

Trong suốt 9 năm làm việc tại đây, anh được bồi dưỡng, đào tạo tại các trung tâm huấn luyện kỹ thuật máy bay hàng đầu trên thế giới ở Đức, Ấn Độ, Trung Quốc…

“Nhờ vậy, tôi có cơ hội được tiếp cận các công nghệ tân tiến, hiện đại mới nhất trên thế giới và từng bước nâng cao tay nghề lẫn trình độ chuyên môn. Với những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được, tôi đã trở thành kỹ sư bảo dưỡng tàu bay mức B2 (điện - điện tử) kiêm trực ban trưởng điều hành bảo dưỡng và giáo viên kỹ thuật tại hãng”, anh Toàn cho biết.

Được thường xuyên tiếp xúc với tàu bay và thực hiện các chuyến bay công tác/huấn luyện xa nhà, được ngắm nhìn bầu trời, đi đến những nơi nổi tiếng khắp năm châu đã nuôi dưỡng trong anh ước mơ được tự mình cầm lái những chiếc tàu bay hiện đại.

Tuy nhiên, để trở thành phi công, chi phí luôn là một rào cản lớn mà không phải ai cũng đáp ứng được.

Năm 2020, cơ hội đã đến khi anh Toàn vượt qua các vòng tuyển sinh nghiêm ngặt và nhận được học bổng chương trình đào tạo phi công phi lợi nhuận duy nhất cho đến nay tại Việt Nam.

“Tôi đã trải qua quá trình huấn luyện phi công cơ bản tại bang Florida, Mỹ. Sau đó, tôi trở về Việt Nam và tiếp tục được đào tạo chương trình lý thuyết huấn luyện phi công vận tải hàng không cũng như chuyển loại tàu bay A320 tại VietJet Air”, anh Toàn chia sẻ.

Theo anh Toàn, có rất nhiều điều đặc biệt trong quá trình đào tạo phi công tại Mỹ. Điều khiến anh vô cùng ấn tượng là quy mô trường huấn luyện bay có địa hình vô cùng đa dạng: có núi, biển, đồng bằng, xung quanh có rất nhiều sân bay có hoạt động lưu thông hàng không mật độ cao cũng như sân bay tư nhân, có hoặc không có hoạt động kiểm soát không lưu tại sân.

Anh chia sẻ, nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất được áp dụng tại đây, trong đó có những công nghệ dẫn đường và tiếp cận hạ cánh chỉ có tại Mỹ. Các tàu bay huấn luyện rất đa dạng và hiện đại và trong quá trình huấn luyện, tôi đã được bay trên 6 loại tàu với cấu hình khác nhau giúp nâng cao trải nghiệm thực tế.

“Một phần quan trọng của quá trình huấn luyện là các chuyến bay xa tích lũy giờ (cross-country). Trên các chuyến bay này, học viên phi công sẽ tự mình cầm lái đến các sân bay xa trường bay, thậm chí có thể đến các bang khác mà không có giáo viên đi cùng.

Điều này giúp học viên tích lũy giờ bay, kinh nghiệm xử lý tình huống, kết hợp làm quen quy trình vận hành ở các sân bay khác nhau và mang lại những trải nghiệm đáng nhớ nhất trong suốt quá trình huấn luyện”, anh cho biết thêm.

phi-cong- 260325-1
Anh Toàn hiện là cơ phó của hãng Hàng không VietJet Air - Ảnh: NCCC

Ngày làm việc tất bật của một phi công sẽ như thế nào?

Chia sẻ nhiệm vụ thường ngày để chuẩn bị cho một chuyến bay, anh Toàn cho biết, phi công phải có mặt trước giờ bay ít nhất 1 tiếng để chuẩn bị tài liệu bay, đánh giá kế hoạch bay, thời tiết, nhiên liệu, thông số khai thác bay, gặp mặt và thảo luận với các thành viên trước chuyến bay. Sau đó sẽ di chuyển ra tàu bay.

Tại tàu bay, cả 2 phi công sẽ thực hiện nhiệm vụ theo phân công lúc hội ý, gồm nhưng không giới hạn các công việc như: kiểm tra và tiếp nhận tàu bay, nhập dữ liệu bay, tính toán các thông số khai thác bay, xác nhận kế hoạch bay với kiểm soát không lưu, thảo luận các vấn đề mở rộng liên quan chuyến bay đang chuẩn bị khai thác.

Sau khi mọi công việc chuẩn bị và kiểm tra đã hoàn tất, tổ bay sẽ xin huấn lệnh đẩy lùi/nổ máy để tiến hành di chuyển ra đường băng, thực hiện cất cánh để khởi hành một chuyến bay.

Trong quá trình bay, khi có bất kỳ vấn đề phát sinh, tổ bay sẽ cùng xử lý theo đúng quy trình khai thác và tài liệu hướng dẫn. Các vấn đề có thể gặp trên chuyến bay phổ biến nhất có thể kể đến thời tiết xấu, hỏng hóc kỹ thuật hoặc các vấn đề liên quan đến hành khách cần sự trợ giúp đặc biệt.

Ngoài ra, phi công còn phải phối hợp với kiểm soát không lưu để đảm bảo an toàn trên hành lang bay và các vấn đề chuyên biệt khác. Trong quá trình bay, yếu tố an toàn và phối hợp tổ lái luôn được đặt lên hàng đầu và xuyên suốt trong mọi công việc dù là nhỏ nhất.

phi-cong- 260325-3
Theo anh Toàn, phi công phải có mặt trước giờ bay ít nhất 1 tiếng để chuẩn bị tài liệu bay, đánh giá kế hoạch bay, thời tiết, nhiên liệu, thông số khai thác bay, gặp mặt và thảo luận với các thành viên trước chuyến bay - Ảnh: NVCC

Một chuyến bay bao gồm nhiều phân đoạn và tiếp cận hạ cánh là một trong những giai đoạn quan trọng, áp lực nhất. Phi công sẽ tính toán và đánh giá kỹ càng tất cả các khía cạnh đồng thời lên kế hoạch các khả năng dự phòng để đảm bảo việc thực hiện diễn ra suôn sẻ nhất.

Đây là thời gian cực kỳ bận rộn với người phi công do đây là khu vực tập trung nhiều tàu bay đang hoạt động cùng lúc, vừa phối hợp theo huấn lệnh của kiểm soát không lưu vừa phải vận hành tàu bay đưa về trạng thái sẵn sàng hạ cánh. Việc hạ cánh chuẩn đem lại trải nghiệm tốt cho hành khách là một nhiệm vụ quan trọng của các thành viên tổ bay.

Sau khi hạ cánh và di chuyển vào bãi đỗ, hành khách di chuyển vào nhà ga còn phi công sẽ hoàn tất các thủ tục bay, ghi lại hành trình bay, xác nhận kỹ thuật, hội ý sau chuyến bay và tiếp tục các công đoạn như trên để chuẩn bị cho chuyến bay kế tiếp.

Bình luận