Chờ...

Tất tần tật về ngành kỹ sư ứng dụng công nghệ vệ tinh tại Việt Nam

(VOH) - Ngành kỹ sư ứng dụng công nghệ vệ tinh là ngành học mới mẻ tại Việt Nam. Do vậy, cơ hội phát triển nghề nghiệp của ngành học này thì không phải ai cũng biết.

Lĩnh vực ứng dụng công nghệ vệ tinh bao gồm xử lý và phân tích tín hiệu, hình ảnh vệ tinh, công nghệ viễn thám và định vị vệ tinh. Hiện nay, Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) đang đào tạo kỹ sư cho lĩnh vực này.

Ngành Kỹ thuật Không gian của Trường Đại học Quốc tế là đơn vị đào tạo kỹ sư 4 năm đầu tiên ở Việt Nam, tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 2016.

Chương trình tập trung đào tạo kỹ sư chuyên về ứng dụng công nghệ vệ tinh, bao gồm công nghệ định vị và công nghệ viễn thám. Chương trình được thiết kế để đào tạo nguồn nhân lực tiên phong trong việc đưa các ứng dụng của công nghệ vũ trụ vào đời sống xã hội, phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên, môi trường, lãnh thổ, biển đảo và an ninh - quốc phòng.

Do đó, chương trình đào tạo kỹ sư với các khối kiến thức đặc thù, thời sự như: Xử lý tín hiệu và ảnh vệ tinh, quan sát trái đất, khoa học không gian, công nghệ vệ tinh, thiết kế ăng ten vô tuyến, công nghệ định vị, công nghệ viễn thám, xử lý dữ liệu lớn, lập trình cho các thiết bị di động sử dụng công nghệ định vị.

Tiến sĩ Phan Hiền Vũ, Giảng viên Trường Đại học Quốc tế
Tiến sĩ Phan Hiền Vũ – Giảng viên Trường Đại học Quốc tế

Tiến sĩ Phan Hiền Vũ – Giảng viên Trường Đại học Quốc tế sẽ chia sẻ chi tiết hơn về ngành Kỹ thuật Không gian cho các em học sinh và quý vị phụ huynh.

1. Nhu cầu nhân lực của ngành Kỹ thuật Không gian hiện nay và trong tương lai ra sao?

Tháng 2/2021, Thủ tướng chính phủ ra Quyết định số 169/QĐ-TTg về việc Ban hành Chiến lược Phát triển, Ứng dụng khoa học và Công nghệ vũ trụ đến năm 2030. Theo đó, chiến lược tập trung phát triển các ứng dụng phục vụ cộng đồng như giám sát thiên tai, quản lý tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu, cung cấp đa dạng các dịch vụ định vị, dẫn đường dựa trên dữ liệu vệ tinh. Ngoài ra, chiến lược cũng đặt mục tiêu làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo vệ tinh, cảm biến quang học…

Đặc biệt với với mục tiêu đào tạo 3.000 kỹ sư triển khai trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho thấy nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này sẽ rất nóng. Sự ra đời ngành Kỹ thuật Không gian đã dự đoán chính xác nhu cầu nhân lực kỹ sư về khoa học và công nghệ vũ trụ.

Hiện tại rất nhiều lĩnh vực liên quan đến ứng dụng công nghệ vệ tinh vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên nhân lực kỹ sư được đào tạo bài bản về ứng dụng công nghệ tinh rất thiếu, đặc biệt là công nghệ định vị và viễn thám.

Nhiều cơ quan nhà nước như quản lý như đô thị, tài nguyên môi trường, nông nghiệp… sử dụng dữ liệu viễn thám hoặc công nghệ định vị trong quản lý đều cần kỹ sư ngành Kỹ thuật Không gian.

Các dự án nước ngoài đã và đang triển khai ở Việt Nam trong những năm gần đây cũng cần nhiều kỹ sư ngành này, ví dụ các dự án ứng dụng công nghệ viễn thám như khai thác dữ liệu viễn thám trong giám sát sự tàn phá và phục hồi rừng nhiệt đới (REDD+), giám sát hạn hán và biến đổi khí hậu (World Bank), quy hoạch tài nguyên nước và phát triển nông nghiệp bền vững (Hà Lan)…

Đặc biệt, thị trường phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động sử dụng công nghệ định vị và dẫn đường vệ tinh, điển hình như Google Map, VietMap, Grab, Bee… và các dịch vụ vận tải, giao nhận hàng hoá khác đang bùng nổ, đòi hỏi nhu cầu lớn về nguồn nhân lực ngành Kỹ thuật Không gian hiện tại và tương lai.

2. Hiện nay các trường đại học nào có đào tạo ngành Kỹ thuật Không gian?

Cho đến hiện nay, Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) là đơn vị duy nhất đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật Không gian.

Xem thêm: 

Tuyển sinh 2021: Trường Đại học Quốc tế dành 32 tỷ đồng khích lệ thí sinh trúng tuyển năm 2021

3. Sinh viên ngành Kỹ thuật Không gian cần có những tố chất nào?

Các học sinh, sinh viên yêu thích khoa học kỹ thuật, thích khám phá và ứng dụng các công nghệ mới phục vụ đời sống và phát triển xã hội đều đủ tiềm năng để học ngành Kỹ thuật Không gian.

4. Những kiến thức quan trọng khi học ngành Kỹ thuật Không gian?

Những kiến thức được ưu tiên khi học ngành này gồm Toán và Vật lý. Đây là khối kiến thức khoa học tự nhiên cơ sở sinh viên sẽ được học vào hai năm đầu của chương trình đào tạo. Dựa trên nền tảng này, sinh viên sẽ học khối kiến thức chuyên ngành Kỹ thuật Không gian và kỹ năng lập trình để phát triển các ứng dụng cụ thể như mô phỏng thiết bị thu phát tín hiệu, xử lý tín hiệu vô tuyến, xử lý ảnh vệ tinh và dữ liệu lớn, và lập trình trên thiết bị di động.

Ngoài ra, tiếng Anh là phương tiện quan trọng trong học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực Kỹ thuật Không gian.

5. Thực tập ngành Kỹ thuật Không gian ở đâu?

Thực tập là một học phần quan trọng trong chương trình học của ngành Kỹ thuật Không gian. Trường Đại học Quốc tế có các chương trình hợp tác hỗ trợ sinh viên thực tập trong lĩnh vực Kỹ thuật Không gian với các cơ quan trong nước, như Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Cục Viễn thám Quốc gia và ngoài nước như: Viện Thiên văn và Thiên văn Vật lý (ASIAA) - Đài Loan; Viện Khoa học Thiên văn và Vũ trụ (KASI) - Hàn Quốc và Viện Khoa học Không gian và Hàng không Vũ trụ (ISAS – JAXA) - Nhật Bản.

Hàng năm, có từ 7 đến 10 suất học bổng dành cho sinh viên xuất sắc thực tập từ 1 đến 3 tháng tại các cơ quan nước ngoài. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể chọn thực tập tại các công ty công nghệ thông tin và truyền thông như Trung tâm tài năng AI, Công ty Fsoft, Công ty TMA solutions…

6. Cơ hội việc làm của kỹ sư ngành Kỹ thuật Không gian sau khi tốt nghiệp?

Các kỹ sư ngành Kỹ thuật Không gian sẽ là nguồn lực quan trọng trong các cơ quan nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ vệ tinh của Việt Nam như Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Cục Viễn thám Quốc gia, cũng như làm việc ở các cơ quan nhà nước quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo.

Ngoài ra, các kỹ sư Kỹ thuật Không gian có thể làm việc cho các công ty về truyền thông vô tuyến, truyền thông vệ tinh, công nghệ thông tin và các công ty outsourcing. Để nâng cao kiến thức chuyên môn và trở thành các chuyên gia, các kỹ sư ngành Kỹ thuật Không gian có thể làm nghiên cứu và tiếp tục học tập ở bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ tại các trường viện trong và ngoài nước.

7. Thu nhập của kỹ sư ngành Kỹ thuật Không gian mới tốt nghiệp và chuyên gia?

Khi mới tốt nghiệp, kỹ sư ngành Kỹ thuật Không gian có thể trải nghiệm nghề nghiệp tại các cơ quan nhà nước hoặc các công ty outsourcing với mức lương khoảng 10 – 15 triệu đồng/tháng.

Sau thời gian làm việc khoảng 5 năm, mức lương có thể đạt 20 – 40 triệu đồng/tháng. Các chuyên gia có kinh nghiệm làm việc và có bằng cấp Thạc sĩ, Tiến sĩ có thể làm việc cho các công ty nước ngoài và tham gia các dự án quốc tế với mức lương 3.000 – 5.000 USD/tháng.

Đôi nét về Tiến sĩ Phan Hiền Vũ

Tiến sĩ Phan Hiền Vũ hiện là Giảng viên cơ hữu Bộ môn Vật lý, Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM).

Tiến sĩ Phan Hiền Vũ nhận bằng kỹ sư chuyên ngành Viễn thông năm 1999, bằng thạc sĩ chuyên ngành Viễn thám và Hệ thông tin địa lý năm 2005 ở Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM), và bằng tiến sĩ chuyên ngành Khoa học thông tin địa lý và Viễn thám năm 2015 ở Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan.

Hiện tại, Tiến sĩ Phan Hiền Vũ giảng dạy các môn học về viễn thám và hệ thông tin địa lý cho ngành Kỹ thuật Không gian.

Tiến sĩ Phan Hiền Vũ đã tham gia nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực viễn thám và hệ thông tin địa lý từ năm 1999. Sau tốt nghiệp tiến sĩ, ông có tham gia các chương trình trao đổi cán bộ trong nghiên cứu và giảng dạy với Đại học Twente (Hà Lan), Viện IHE (Hà Lan), Đại học Porto (Bồ Đào Nha).

Các hướng nghiên cứu hiện tại của ông hướng đến việc khai thác nguồn dữ liệu vệ tinh và áp dụng các mô hình không gian trong giám sát tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững.

---

Chia sẻ của cựu sinh viên

kỹ sư ứng dụng công nghệ vệ tinh, đại học quốc tế

kỹ sư ứng dụng công nghệ vệ tinh, đại học quốc tế

kỹ sư ứng dụng công nghệ vệ tinh, đại học quốc tế