Trân trọng hay chân trọng đúng chính tả?

VOH - Thông qua việc giải nghĩa, chúng ta có thể xác định trân trọng hay chân trọng, đâu là cách viết đúng chính tả.

Dùng từ sai chính tả tiếng Việt là tình trạng không quá hiếm gặp và đôi khi xảy ra với cả với những từ ngữ được chúng ta sử dụng thường xuyên. Trân trọng và chân trọng chính là một ví dụ.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng phân tích giữa chân trọng và trân trọng, từ nào mới là từ được viết đúng.

Trân trọng hay chân trọng đúng chính tả?

Nói, viết, dùng từ sai có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Với chân trọng và trân trọng, thói quen hàng ngày, phát âm sai giữa “tr” và “ch”, nói ngọng, không hiểu rõ ý nghĩa của từ… có thể là một trong nguyên nhân khiến nhiều người bị nhầm lẫn.

Vậy trân trọng và chân trọng, đâu mới là từ đúng chính tả?

tran-trong-hay-chan-trong-dung-voh
Trân trọng là từ đúng chính tả

Trong từ điển tiếng Việt, chúng ta có thể dễ dàng tìm và tra được ý nghĩa của cụm từ trân trọng, thế nhưng chân trọng thì không có trong từ điển. Đây chính là đáp án của câu hỏi trên. Giữa chân trọng và trân trọng, trân trọng mới là từ đúng chính tả tiếng Việt.

Để hiểu rõ hơn lý do cũng như giúp bản thân hiểu chính xác về cụm từ này, bạn có thể tham khảo thêm cách giải thích sau đây.

Trân trọng có nghĩa là gì?

Trân trọng là từ đúng chính tả.  Để tránh bị nhầm lẫn khi sử dụng, chúng ta cũng nên tìm hiểu trân trọng là gì bằng cách thử giải nghĩa chi tiết.

Trên thực tế, “trân” mang nhiều ý nghĩa và có thể sử dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

  • Thứ nhất: được dùng để chỉ những đồ quý giá, quý báu.
  • Thứ hai: tính từ dùng để mô tả trạng thái ngây ra, không có một phản ứng, cử động nào.

Tương tự, “trọng” cũng cũng có nhiều cách giải nghĩa.

  • Thứ nhất: thể hiện sự chú ý, coi trọng, đánh giá cao.
  • Thứ hai: chỉ mức độ cao, nặng, không thể coi thường cần phải quan tâm.

Như vậy, trân trọng có nghĩa là tỏ ý quý trọng, kính trọng, trân trọng, đề cao với một vấn đề hoặc một đối tượng nào đó. Nó thường được dùng để thể hiện thái độ, bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân… hay dùng trong những tình huống mời mọc, chào đón mang tính chất trang trọng.

tran-trong-la-gi-voh
Ý nghĩa của cụm từ trân trọng

Ví dụ:

  • Xin trân trọng cảm ơn!
  • Xin trân trọng kính mời… lên phát biểu.
  • Chúng ta cần học cách trân trọng những khoảnh khắc bên gia đình.
  • Trân trọng và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam.

Ngoài trân trọng, để biểu đạt ý nghĩa tương tự, người Việt còn có một số từ đồng nghĩa như tôn trọng, quý trọng hay trân quý.

Chân trọng là gì?

Việc giải nghĩa trân trọng hay chân trọng là gì cũng giúp chúng ta xác định được từ nào đúng, từ nào sai chính tả.

Trong từ điển tiếng Việt, “chân” được định nghĩa như sau:

Thứ nhất, với vai trò của một danh từ, “chân” là bộ phận của người, động vật hay một số đồ dùng (bàn, ghế…).

“Chân” cũng là biểu tượng của cương vị hoặc phận sự của một người trong một tổ chức (có chân trong hội sinh viên…).

Không những thế, trong một số trường hợp, “chân” còn được dùng để chỉ phần dưới cùng của vật, phần này tiếp giáp và bám chặt vào nền (chân tường, chân răng…)

Thứ hai, với trò của một tính từ, “chân” có nghĩa là thật, đúng với hiện thực (chân thực, chân thành, chân chất…).

Như đã nói, trong từ điển tiếng Việt, không có cụm từ “chân trọng”. Ngoài ra, chúng ta có thể thấy “chân” ghép với “trọng” không có bất cứ ý nghĩa gì. Từ đó, có thể khẳng định, chân trọng là cách viết, cách nói sai.

Trân trọng và chân trọng là một trong số những cụm từ thường xuyên bị nhầm lẫn cũng như khiến nhiều người cảm thấy phân vân khi sử dụng. Tuy nhiên, thông qua việc phân tích ý nghĩa hay đơn giản hơn là tra từ điển tiếng Việt chúng ta có thể xác định cách viết đúng chính tả.

Đừng quên theo dõi chuyên mục Thường thức của VOH để cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích!