Đăng nhập

Nghiên cứu chọn tạo giống dừa cho các tỉnh phía Nam

00:00
02:10
02:10
VOH - Sau 5 năm triển khai thực hiện, đề tài đã nhân giống được 16 cây dừa sáp thơm bằng phương pháp nuôi cấy phôi. Tiếp tục theo dõi và đánh giá sự sinh trưởng và phát triển trong thời gian tới.

Sau 5 năm triển khai (2019-2023), các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu (Bộ Công Thương) đã hoàn thành đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống dừa cho các tỉnh phía Nam” với mục tiêu sản xuất cây dừa sáp thơm bằng phương pháp nuôi cấy phôi; công nhận cây đầu dòng dừa ta/dâu chịu mặn và sản xuất cây giống phục vụ nhu cầu của người dân.

Dừa là cây trồng phổ biến tại Việt Nam với diện tích gần 170.000 ha và sản lượng gần 1.900 tấn, được trồng nhiều nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Nam Trung Bộ. Trong đó, Bến Tre và Tiền Giang là 3 tỉnh sản xuất dừa lớn của khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dưới tác động của xâm nhập mặn, cây dừa bị giảm số lượng hoa cái, giảm khả năng đậu quả và năng suất ở mức thấp hơn trung bình. 

Dừa sáp thơm là giống dừa quý, vừa có sáp vừa có mùi thơm lá dứa nên việc nghiên cứu và khảo nghiệm là rất cần thiết. Vì vậy, công tác nghiên cứu nhân giống và đánh giá khả năng sinh trưởng, thích nghi hướng đến việc phát triển vùng nguyên liệu dừa sáp phục vụ cho công nghiệp chế biến là rất lớn.

Đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống dừa cho các tỉnh phía Nam” do ThS. Thái Nguyễn Quỳnh Thư làm chủ nhiệm với mục tiêu sản xuất 5-10 cây dừa sáp thơm bằng phương pháp nuôi cấy phôi (sử dụng quả giống được xác định là vừa sáp vừa có mùi thơm lá dứa để nuôi cấy phôi).

Nghiên cứu chọn tạo giống dừa cho các tỉnh phía Nam 1Xem toàn màn hình
Vườn dừa dứa tại Trung tâm Sản xuất giống Trảng Bàng (Tây Ninh) - Ảnh: Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu

Bên cạnh đó, đề tài cũng xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác cho dòng dừa ta/dâu chịu mặn; xây dựng mô hình sản xuất trồng dòng dừa ta/dâu chịu mặn; đồng thời sản xuất cây giống dừa ta/dâu chịu mặn phục vụ nhu cầu cây giống của người dân.

 

Sau 5 năm triển khai thực hiện, đề tài đã đạt được một số kết quả nổi bật: nhân giống được 16 cây dừa sáp thơm bằng phương pháp nuôi cấy phôi tại Tây Ninh; sản xuất được 631 cây dừa giống chịu mặn và triển khai được 3,1ha mô hình tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. 

Trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá sự sinh trưởng và phát triển của giống dừa lai sáp thơm lai tạo trong nước thế hệ F1 và giống dừa sáp thơm thế hệ F2. Tiếp tục thực hiện nhân giống và đánh giá sự sinh trưởng, phát triển, năng suất và khả năng thích nghi của giống dừa lai sáp thơm trong thời kỳ kinh doanh.

Bình luận