Phát hiện này được công bố trên tạp chí iScience vào ngày 25/03.
Các nhà nghiên cứu cho biết, loài khủng long này mang tên Duonychus tsogtbaatari, sống cách đây khoảng 90 đến 95 triệu năm trong kỷ Phấn trắng, dài khoảng 3 mét, nặng khoảng 260 kg và có bộ móng vuốt dài khoảng 30 cm.
Duonychus là một thành viên cỡ trung của nhóm khủng long có hình dáng kỳ quái gọi là therizinosaurs, nổi bật với thân hình tròn trịa, cổ dài, đầu nhỏ, dáng đi hai chân, cơ thể có lông và móng vuốt khổng lồ.

Dù thuộc nhánh khủng long theropods, nhóm bao gồm các loài ăn thịt như Tyrannosaurus và Spinosaurus, loài therizinosaurs lại ưa chuộng thực vật.
Cho đến nay, các loài Therizinosaur, sinh sống ở châu Á và Bắc Mỹ, đều có chân trước với ba ngón có móng vuốt. Tuy nhiên, Duonychus lại chỉ có hai ngón, vì vậy tên của nó có nghĩa là "hai móng vuốt".
Tiến sĩ Yoshitsugu Kobayashi, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Đại học Hokkaido, Nhật Bản, cho biết, Therizinosaurs là một trong những loài khủng long kỳ lạ nhất từng tồn tại. Dù chúng là theropods, loài có họ hàng với loài khủng long ăn thịt, nhưng lại có ngoại hình giống như những con lười khổng lồ có lông.
Ông Kobayashi chia sẻ, Duonychus là một loài rất đặc biệt với đôi chân trước ngắn có hai ngón và móng vuốt giống như loài raptor, nhưng lại sử dụng chúng để ăn thực vật.
Ông cho rằng loài này giống như một thử nghiệm tiến hóa hoàn toàn mới và nó đã đạt thành công.
Theo các nhà nghiên cứu, cá thể Duonychus này chưa trưởng thành hoàn toàn và có thể sống trong môi trường bán khô cằn, gần các dòng sông, cùng với các loài therizinosaurs khác, gồm khủng long bọc giáp, khủng long có sừng, khủng long mỏ vịt và một loài khủng long tiền thân của Tyrannosaurus có tên Alectrosaurus.
Mặc dù bộ xương được phát hiện không đầy đủ, bị thiếu hộp sọ và chân, chân trước và bộ móng của cá thể này được bảo tồn rất tốt.
Một trong những móng vuốt của cá thể Duonychus vẫn giữ lớp vỏ ngoài, một lớp sừng keratin, giống như chất liệu trong móng tay của chúng ta, thay vì chỉ còn lại xương bên trong. Lớp vỏ keratin này làm tăng chiều dài móng vuốt lên hơn 40%.
Tiến sĩ Darla Zelenitsky, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Calgary, Canada, cho biết, việc hóa thạch hóa keratin là điều rất hiếm gặp. Chân trước của cá thể này được bảo tồn nguyên vẹn, thể hiện rõ chi tiết xương cổ chân, các khớp cứng và hai móng vuốt lớn, giúp ta hiểu rõ hơn về cách loài khủng long này sử dụng chân trước của chúng.
Bà Zelenitsky cho rằng, những móng vuốt này có thể có nhiều chức năng khác nhau, trong đó chủ yếu là để chộp và kéo con mồi, đồng thời có thể phòng vệ, đào bới hoặc nhận diện đồng loại.
Theo bà Zelenitsky, cấu trúc bàn chân hai ngón của loài Duonychus có thể phù hợp với một hành vi ăn uống đặc biệt hoặc nguồn thức ăn riêng biệt của chúng.
Việc phát hiện các thể Duonychus cho thấy, hiện nay có ít nhất 5 nhánh theropods đã tiến hóa độc lập với hai ngón ở chân trước, trong đó nổi bật nhất là loài Tyrannosaurus rex với đôi chân trước nhỏ bé so với cơ thể đồ sộ của chúng.