Tiêu điểm: Tin tức EURO 2024

Ô nhiễm không khí ở Ấn Độ giết chết hơn 33.000 người/năm

VOH - Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Planetary Health, giai đoạn từ 2008 đến 2019, mỗi năm Ấn Độ chết hơn 33.000 người do ô nhiễm không khí.

Trong nghiên cứu mới của các nhà khoa học đã xem xét mức độ vi hạt gây ung thư được gọi là chất ô nhiễm bụi mịn PM2.5 ở các thành phố lớn của Ấn Độ như Ahmedabad, Bengaluru, Chennai, Delhi, Hyderabad, Kolkata, Mumbai, Pune, Shimla và Varanasi.

Nghiên cứu cho biết, từ năm 2008 đến 2019, hơn 33.000 ca tử vong mỗi năm có thể là do phơi nhiễm PM2.5. Trong đó, hơn 7% tổng số ca tử vong là người ở 10 thành phố lớn nhất Ấn Độ có mức độ ô nhiễm không khí trầm trọng.

Nhưng các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, ngay cả những thành phố nơi ô nhiễm không khí được cho là không tệ như Mumbai, Kolkata và Chennai – cũng có tỷ lệ tử vong cao.

d115e0f0-9848-4396-98ff-dece55f4b985_1ab932b5
Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) với bầu không khí ô nhiễm không khí trong top tệ nhất thế giới - Ảnh: EPA-EFE

Theo một báo cáo của IQAir - cơ quan theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới - gần như tất cả trong số 100 thành phố có tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới năm ngoái (2023) đều nằm ở Châu Á. Trong đó, riêng Ấn Độ có 83 thành phố trong danh sách.

Đồng tác giả nghiên cứu Joel Schwartz của Đại học Harvard cho biết, việc hạ thấp và thực hiện các biện pháp giới hạn nồng độ PM2.5 “sẽ cứu được hàng chục nghìn sinh mạng mỗi năm”.

Riêng tại Ấn Độ, “Các phương pháp kiểm soát ô nhiễm cần được áp dụng khẩn cấp” ông nói trong một tuyên bố.

PM2.5 có nguồn gốc từ khói do đốt nhiên liệu hóa thạch, bão bụi và cháy rừng. Khi hít vào, nó đi sâu vào mô phổi và có thể xâm nhập vào máu. PM2.5 có mối liên quan đến bệnh hen suyễn, bệnh tim và phổi, ung thư và các bệnh về đường hô hấp khác, cũng như suy giảm nhận thức ở trẻ em.

WHO cho biết hầu hết mọi người trên Trái đất đều hít phải lượng không khí ô nhiễm nhiều hơn mức khuyến nghị, có thể gây ra đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi và các bệnh về đường hô hấp khác.

Cũng trong báo cáo của IQAir, chỉ có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có chất lượng không khí “trong lành” là Phần Lan, Estonia, Puerto Rico, Australia, New Zealand, Bermuda, Grenada, Iceland, Mauritius và Polynesia thuộc Pháp.