Một loài cóc răng mới, có tên khoa học Oreolalax adelphos (Cóc răng anh em), vừa được nhóm các nhà khoa học từ Tổ chức Indo-Myanmar Conservation, Bảo tàng Quốc gia Australia và Hội động vật Luân Đôn phát hiện tại đỉnh núi Pờ Ma Lung, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn (Tây Bắc Việt Nam), ở độ cao hơn 2.900 mét.
Loài cóc mới này có thân dài chưa tới 4cm, với những đặc điểm hình thái độc đáo như các mụn cóc tròn đều trên da, mống mắt hai tông màu, và vết ngang màu nâu đen trên đùi và ống chân.
Điểm nổi bật nữa là lớp màng bơi giữa các ngón chân sau phát triển không quá rõ rệt, mặt bụng có màu xám kèm đốm trắng.

Đây là loài thứ hai thuộc giống Oreolalax được tìm thấy tại Việt Nam, sau loài cóc răng Sterling (Oreolalax sterlingae), trước đây cũng được phát hiện ở dãy Hoàng Liên Sơn và hiện đang nằm trong danh sách loài nguy cấp của IUCN.
Thạc sĩ Nguyễn Thành Luân, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết phát hiện này là kết quả từ quá trình điều tra thực địa vào tháng 8/2023, khi nhóm tìm thấy những mẫu vật có đặc điểm hình thái khác biệt. Sau khi phân tích di truyền, nhóm xác định đây là một loài mới.
Loài cóc răng Pờ Ma Lung chỉ được tìm thấy ở đỉnh núi này và có khả năng cũng tồn tại tại khu vực Kim Bình, Vân Nam, Trung Quốc. Đây là khu vực sinh cảnh chung với loài cóc răng Sterling.

Trong 10 năm qua, các nhà khoa học đã phát hiện 6 loài lưỡng cư và 1 loài rắn mới tại đây, cho thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu hệ sinh thái ở các vùng núi cao phía Bắc Việt Nam.
Đỉnh núi Pờ Ma Lung còn là điểm đến phổ biến của các nhà leo núi, do đó, các nhà khoa học nhấn mạnh cần tăng cường quản lý môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng để bảo vệ sự đa dạng sinh học của khu vực này.