Tiêu điểm: Nhân Humanity

Phát hiện tín hiệu lạ từ vũ trụ cách Trái Đất 4.000 năm ánh sáng

VOH - Một đài thiên văn ở sa mạc Tây Úc đã bắt được loại tín hiệu vô tuyến bí ẩn từ cách Trái Đất 4.000 năm ánh sáng, dẫn đến phát hiện về một loại sao cực hiếm trong dải Ngân Hà.

Theo Science Alert, tín hiệu lạ được phát hiện bởi đài thiên văn vô tuyến Murchison Widefield Array (MWA) đặt tại sa mạc Tây Úc. Đây là tín hiệu nhấp nháy giống như từ một sao xung, nhưng khoảng cách giữa các xung lại kéo dài bất thường.

Tín hiệu đầu tiên, được đặt tên GLEAM-X J162759.5−523504.3, phát sóng vô tuyến trong 30-60 giây với chu kỳ 18,18 phút. Hiện tượng này diễn ra liên tục từ năm 2018 trước khi bất ngờ dừng lại.

tin hieu la_voh
Một cặp đôi gồm sao lùn đỏ và sao lùn trắng xung có thể phát ra loại tín hiệu radio bí ẩn - Ảnh đồ họa: ESO

Đến năm 2023, một tín hiệu tương tự với chu kỳ 22 phút lại được phát hiện từ một khu vực khác trên bầu trời, nơi có nhiều thiên thể tập trung. Nguồn tín hiệu này, được gọi là GPM J1839-10, đã được xác định là hoạt động ít nhất từ năm 1988.

Thêm một tín hiệu thứ ba, GLEAM-X J0704-37, cũng được ghi nhận. Tín hiệu này phát sóng dài 30-60 giây với chu kỳ 2,9 giờ, dễ quan sát hơn hai tín hiệu trước đó.

Dẫn đầu nghiên cứu, nhà vật lý thiên văn Natasha Hurley-Walker từ Trung tâm Nghiên cứu Thiên văn Vô tuyến Quốc tế (ICRAR) thuộc Đại học Curtin (Úc) đã tập trung vào nguồn tín hiệu thứ ba vì nó có đặc điểm dễ quan sát hơn.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kính viễn vọng vô tuyến MeerKAT ở Nam Phi để quan sát kỹ khu vực phát tín hiệu. Kết quả cho thấy tín hiệu phát ra từ một ngôi sao mờ thuộc loại sao lùn đỏ, vốn rất phổ biến trong dải Ngân Hà.

Tuy nhiên, điểm bất thường là ngôi sao lùn đỏ này không thể tự phát ra loại tín hiệu như vậy. Các phân tích sâu hơn đã tiết lộ sự tồn tại của một ngôi sao lùn trắng đi kèm, vốn là lõi còn sót lại của một ngôi sao giống Mặt Trời sau khi nó sụp đổ.

Theo bài công bố trên The Astrophysical Journal Letters, hệ sao đôi này bao gồm:

Một sao lùn đỏ có khối lượng bằng 0,32 lần khối lượng Mặt Trời.

Một sao lùn trắng, có khối lượng bằng 0,8 lần khối lượng Mặt Trời nhưng kích thước nhỏ hơn nhiều do sự nén chặt của vật chất.

Nếu hai sao này nằm ở quỹ đạo đủ gần, sao lùn trắng sẽ hút vật chất từ sao lùn đỏ, tạo ra các chùm tia phát xạ liên tục từ các cực, dẫn đến hiện tượng phát sóng vô tuyến kỳ lạ.

Điều này xác nhận sao lùn trắng trong hệ sao đôi này chính là GLEAM-X J0704-37, được mô tả như một "sao lùn trắng xung" - loại sao hiếm trong dải Ngân Hà có khả năng phát sóng vô tuyến giống sao xung.

Phát hiện này không chỉ mở ra hiểu biết mới về sao lùn trắng xung – loại sao cực hiếm, mà còn mang đến cơ hội khám phá về những hệ sao đôi bí ẩn trong vũ trụ.

Hai nguồn tín hiệu còn lại, GLEAM-X J162759.5−523504.3 và GPM J1839-10, có thể là những đại diện hiếm hoi khác của loại sao này, giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách chúng hình thành và tiến hóa trong không gian sâu thẳm.

Bình luận