Tối nay 3/1 có thể ngắm mưa sao băng Quadrantids tại TPHCM

(VOH) - Theo trang tin thời tiết Time and Date, bắt đầu từ đêm 3/1 kéo dài đến 4h sáng mai 4/1, trận mưa sao băng Quadrantids sẽ đạt cực đại trên bầu trời TP.HCM.

Trận mưa sao băng Quadrantids được cho là trận mưa sao băng lớn nhất trong năm 2022.

Trang tin về vũ trụ và thiên văn học Space.com cho biết trong số 10 trận mưa sao băng lớn nhất hằng năm, chỉ có hai trận tạo ra hơn 100 sao băng/giờ, bao gồm Quadrantids (vào tháng 1) và Geminids (vào tháng 12).

Mưa sao băng Quadrantids, còn mang tên Thước Tứ Phân, là trận mưa sao băng khá đẹp với tần suất cực đại có thể đạt tới 40 vệt sao băng/giờ.

Về tên của trận sao băng này là Quadrantids, tờ EarthSky giải thích cái tên Quadrantids vốn được lấy từ một chòm sao đã không còn tồn tại tên là Quadrans Muralis do bị Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU) loại khỏi danh sách các chòm sao từ năm 1922.

Tối nay có thể ngắm mưa sao băng Quadrantids tại TPHCM 1
Mưa sao băng trên quần đảo Florida Keys năm 2012 được nhà nhiếp ảnh Jeffrey Berkes chụp. Ảnh: SPACE

Năm nay, thời điểm diễn ra mưa sao băng Quadrantids trùng với đầu tháng âm lịch, do vậy Mặt Trăng sẽ không gây cản trở đến việc quan sát vẻ đẹp hiện tượng tự nhiên này.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm, chọn nơi ít ánh sáng đèn và ô nhiễm không khí. Trận mưa sao băng này được cho là sẽ đạt cực điểm chỉ trong một vài giờ với hàng chục ngôi sao băng sẽ lướt qua bầu trời mỗi giờ cho đến tận khi mặt trời mọc.

Một số trang tin ở châu Âu dự đoán tại khu vực này, Quadrantids năm 2022 sẽ rơi khoảng 50 sao băng/giờ thì theo kết quả định vị tại thành phố Hồ Chí Minh, tờ Time and Date dự đoán chúng ta sẽ quan sát được tận 110 sao băng/giờ trong giai đoạn cực đại - đêm 3/1, rạng sáng 4/1.

Tên của mưa sao băng được giữ nguyên, nhưng đôi khi nó cũng được gọi là Bootids, theo tên của chòm sao Boötes (Mục Phu), bởi vị trí xuất phát của mưa sao băng gần chòm sao này. Do đó bạn có thể tìm chòm sao Mục Phu để quan sát mưa sao băng. Các nhà khoa học khuyến cáo nên để mắt làm quen với bóng tối 15-20 phút trước khi quan sát.

Ngoài ra, trong năm 2022, người yêu thiên văn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng một trận mưa sao băng khá đẹp khác là mưa sao băng Thiên Cầm (Lyrids), đạt cực đại vào đêm 22, rạng sáng 23 tháng 4 với tần suất khoảng hơn 20 vệt sao băng/giờ; hai trận mưa sao băng lớn nhất năm là mưa sao băng Anh Tiên (Perseids), đạt cực đại vào đêm 12, rạng sáng 13 tháng 8 với tần suất lên đến 60 sao băng một giờ.

Tiếp đó là mưa sao băng Song Tử (Geminids) diễn ra hằng năm từ ngày 7-17 tháng 12, đạt cực đại vào đêm 13, rạng sáng 14 tháng 12 với tần suất có thể lên đến 120 sao băng/giờ.

Bình luận