- Tại sao trẻ chậm tăng cân?
- Cách giúp trẻ tăng cân lành mạnh, an toàn
- Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng
- Đa dạng các bữa ăn cho bé
- Rèn luyện thói quen ăn uống đúng giờ
- Cho ăn nhiều bữa và thường xuyên hơn
- Hạn chế nạp nhiều calo rỗng
- Tạo cảm giác ngon miệng cho bé
- Khuyến khích trẻ vận động thường xuyên
- Uống đủ nước và không uống quá nhiều loại nước
- Bổ sung sữa và các sản phẩm từ sữa
- Khám sức khỏe và tẩy giun định kỳ
Tình trạng bé ăn nhiều nhưng vẫn còi hơn những bạn đồng trang lứa khiến cha mẹ lo lắng. Vậy nguyên nhân do đâu và cách giúp trẻ tăng cân hiệu quả là gì? Sau đây, VOH sẽ điểm qua một số phương pháp tăng cân nhanh chóng và an toàn mà bạn có thể áp dụng với con.
Tại sao trẻ chậm tăng cân?
Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con cao lớn, phát triển khỏe mạnh. Do đó, các bậc phụ huynh luôn quan tâm và chăm sóc trẻ vô cùng cẩn thận, chu đáo. Tuy nhiên, nhiều bé vẫn gặp phải tình trạng thấp còi, nhẹ cân. Vậy trẻ chậm tăng cân do đâu?
- Trẻ sinh non, nhẹ cân: Khi sinh thiếu tháng, sức khỏe của trẻ sẽ yếu hơn, dẫn đến quá trình tăng cân cũng chậm so với các bé sinh đủ ngày.
- Trẻ bị rối loạn đường ruột: Trẻ bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu… làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thức ăn, giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng. Điều này khiến bé thiếu chất, chậm tăng cân.
- Hệ miễn dịch không tốt: Trẻ dễ sụt cân, chậm lớn do mệt mỏi, chán ăn hoặc ăn không ngon khi mắc các bệnh lý về tai mũi họng, viêm phế quản, viêm đường hô hấp…
- Trẻ biếng ăn: Khi bước vào giai đoạn ăn dặm, mọc răng hoặc cai sữa, trẻ thường xuất hiện chứng biếng ăn. Từ đó, cơ thể không hấp thu đủ dưỡng chất nên chậm tăng cân.
- Giờ giấc ăn uống thiếu khoa học: Hệ tiêu hóa làm việc kém hiệu quả, nguyên nhân là do trẻ bị rối loạn giờ giấc nghỉ ngơi, ăn uống vì bé sinh hoạt theo lịch trình của cha mẹ.
Cách giúp trẻ tăng cân lành mạnh, an toàn
Để giúp trẻ tăng cân một cách khỏe mạnh, thúc đẩy cảm giác thèm ăn của bé, cha mẹ có thể áp dụng các mẹo hay sau.
Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng
Muốn giúp trẻ tăng cần, việc đầu tiên là cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho bé. Bạn hãy cân đối lại chế độ dinh dưỡng cũng như đảm bảo khẩu phần ăn của con đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu (chất bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất).
Mỗi khi đói, dạ dày sẽ tiết nhiều enzyme (men tiêu hóa) hơn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Vì vậy, cha mẹ nên cho con ăn theo nhu cầu để bé hình thành thói quen ăn đúng giờ, đúng bữa. Đồng thời, bạn có thể bổ sung thêm những loại thực phẩm như bơ, phô mai, thịt, cá, trứng, sữa, men vi sinh… vào thực đơn hằng ngày của trẻ.
Đa dạng các bữa ăn cho bé
Một số bậc phụ huynh thường lặp đi lặp lại một thực đơn từ ngày này sang ngày khác khiến bé ngán và chán ăn. Đứa trẻ nào cũng dễ dàng bị thu hút bởi những món ăn trang trí đẹp mắt, mùi vị thơm ngon. Vì vậy, để việc ăn uống không trở thành “cơn ác mộng” với con thì bạn nên thay đổi thực đơn liên tục.
Việc tiếp xúc với nhiều nhóm thực phẩm, bé sẽ có cơ hội được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất bao gồm đường, protein, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất thiết yếu.
Rèn luyện thói quen ăn uống đúng giờ
Để tránh tình trạng trẻ chán ăn và sụt cân, cha mẹ cần hình thành cho bé thói quen ăn uống đúng giờ, đúng bữa. Muốn làm được điều này, bạn cố gắng để trẻ ăn đúng theo thời gian biểu, không bỏ bữa chính, đặc biệt là bữa sáng.
Bên cạnh đó, ngoài 3 bữa chính, bạn cũng có thể cho con ăn thêm từ 2 - 3 bữa phụ vào khung giờ hợp lý. Hãy lựa chọn những loại thực phẩm như hoa quả, sữa chua, bánh mì,... để trẻ ăn xen kẽ với bữa chính. Đồng thời, sắp xếp các bữa ăn cách nhau khoảng 2 tiếng nhằm giúp hệ tiêu hóa của trẻ có thời gian nghỉ ngơi và làm việc hiệu quả hơn.
Cho ăn nhiều bữa và thường xuyên hơn
Cha mẹ hãy cho con ăn bất cứ khi nào bé thấy đói. Đây được xem là một biện pháp hữu hiệu thúc đẩy cảm giác thèm ăn ở trẻ. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp với chiến lược ăn nhiều bữa nhỏ mỗi ngày. Thay vì chỉ cho trẻ ăn đúng 3 cử sáng, trưa và tối thì các bậc phụ huynh nên chia thành 6 - 8 bữa ăn nhỏ trong ngày để cơ thể con dễ hấp thụ nhiều calo hơn.
Hạn chế nạp nhiều calo rỗng
Các loại thực phẩm như khoai tây chiên, nước ngọt và thức ăn nhanh có thể làm tăng cân. Tuy nhiên, những món ăn này thường chứa ít chất dinh dưỡng nên không có lợi cho sức của trẻ.
Theo các chuyên gia khuyến nghị, cha mẹ nên kết hợp những thực phẩm bổ sung calo vào chế độ ăn hàng ngày. Bạn có thể chế biến bơ hạt, quả bơ, nước cốt dừa và nhiều nguyên liệu giàu calo khác thành sinh tố để trẻ ăn giữa các bữa chính. Điều này sẽ giúp ích cho sự tăng trưởng và phát triển của bé.
Tạo cảm giác ngon miệng cho bé
Một trong những phương pháp giúp trẻ tăng cân hiệu quả là mang đến giác ngon miệng cho con. Hãy để bé thấy hứng thú với việc chờ đợi đến giờ ăn bằng cách tạo không khí vui vẻ, không nên thúc ép, la mắng. Đồng thời, cha mẹ nhớ tắt ti vi và các thiết bị điện tử để con tập trung ăn hơn nhé!
Khuyến khích trẻ vận động thường xuyên
Theo một số nguyên cứu, tăng cân là một phép tính giữa lượng calo nạp vào và lượng calo bị đốt cháy. Do đó, cha mẹ cần khuyến khích trẻ thường xuyên vận động. Đừng hạn chế các hoạt động hàng ngày của con, trừ khi nhận được lời khuyên từ bác sĩ.
Bạn nên tạo cho con thói quen vận động với bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với từng lứa tuổi hoặc khích lệ trẻ tham gia trò chơi cùng bạn bè như đạp xe, đá bóng…. Các hoạt động này không những giúp trẻ sớm thích nghi với môi trường, rèn luyện khả năng tiếp thu mà còn tăng cường sức khỏe, phát triển chiều cao, cân nặng.
Uống đủ nước và không uống quá nhiều loại nước
Nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể con người. Nó là thành phần tạo nên máu, dịch tiêu hóa, nước tiểu, mồ hôi và có vai trò chuyển hóa năng lượng, điều hòa thân nhiệt, tiêu hóa thức ăn.
Việc uống đủ nước sẽ giúp trẻ tăng cân, khỏe mạnh. Lượng nước mà bé cần bổ sung phụ thuộc vào mức độ hoạt động, chế độ ăn uống, tình trạng sức khỏe và nhiệt độ môi trường. Trẻ em dưới 8 tuổi nên uống tối thiểu 4 -5 cốc/ngày. Đối với trẻ trên 8 tuổi cần ít nhất 6 - 8 cốc/ngày.
Bổ sung sữa và các sản phẩm từ sữa
Canxi và vitamin D là đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển răng và xương của trẻ. Do đó, bổ sung sữa và các sản phẩm từ sữa cho cơ thể là vô cùng cần thiết. Đối với bé trai và bé gái từ 4 - 8 tuổi cần 2,5 cốc sữa/ngày, còn trẻ từ 9 - 18 tuổi cần 3 cốc/ngày. Việc uống sữa sẽ giúp cung cấp canxi, năng lượng để trẻ hoạt động cả ngày.
Khám sức khỏe và tẩy giun định kỳ
Nếu các biện pháp giúp trẻ tăng cân tại nhà không hiệu quả, cha mẹ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia dinh dưỡng, đặc biệt là bác sĩ nhi khoa. Với kiến thức chuyên môn cao, họ sẽ đưa ra những lời khuyên và lựa chọn phương pháp tốt nhất cho chế độ ăn uống của bé.
Bên cạnh việc khám sức khỏe, bạn hãy cho trẻ tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần từ sau 2 tuổi trở đi. Bé chậm tăng cân có thể là do ký sinh trùng đã “hút sạch” các dưỡng chất trong cơ thể và gây rối loạn tiêu hóa. Để thuốc phát huy hiệu quả, bé nên uống thuốc vào sáng sớm khi bụng đói hoặc sau bữa tối khoảng 2 giờ.
Ngoài những cách trên đây, bạn có thể thêm vào thực đơn hằng ngày của bé bằng các món ăn giúp trẻ tăng cân như chuối, sữa chua, ngũ cốc, trứng, thịt gà,... Những loại thực phẩm này vừa ngon miệng vừa tốt cho sức khỏe. Hy vọng với thông tin bổ ích trong bài viết sẽ giúp cha mẹ chăm sóc và nuôi dạy con dễ dàng hơn.
Đừng quên theo dõi VOH - Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.