1. Nói lắp là gì?
Nói lắp hay nói lắp bắp, đôi khi còn gọi là nói cà lăm, là một chứng rối loạn trong cách diễn đạt lời nói, gây trở ngại trong sinh hoạt và khiến bệnh nhân mất tự tin khi giao tiếp.
Tật nói lắp (cà lăm) xảy ra phổ biến ở trẻ trong giai đoạn tập nói (Nguồn: Internet)
Bất cứ ai cũng có thể bị nói lắp, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em đang tập nói và thường gặp ở bé trai nhiều hơn. Các bé từ 18 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi thường bắt đầu nói lắp và đến 5 tuổi sẽ hết.
Cứ 20 trẻ thì sẽ có 1 trẻ nói lắp liên tục và kéo dài hơn sáu tháng. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là trẻ sẽ nói lắp suốt đời. Nếu cha mẹ tìm hiểu thông tin về tật này và biết cách phản ứng lại với tật nói lắp của con, thì sẽ giúp ích rất nhiều cho con trong việc tập nói.
2. Triệu chứng khi mắc tật nói lắp
Những người mắc phải tật nói lắp thường có những biểu hiện sau:
- Ngập ngừng im lặng hồi lâu trước khi bắt đầu câu nói.
- Câu nói bị đứt quãng nhiều lần, lặp lại một chữ nhiều lần, kéo dài một âm lâu.
- Mắt nhấp nháy liên tục.
- Môi hoặc hàm bị rung.
Để chẩn đoán tật nói lắp, bác sĩ thường khai thác bệnh sử và khám thực thể. Việc chẩn đoán dựa trên lời nói của người mắc tật nói lắp.
3. Vì sao bị nói lắp?
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân cụ thể gây ra hiện tượng nói lắp. Tuy nhiên, nói lắp có thể được chia làm 2 dạng phổ biến là:
- Nói lắp được hình thành trong quá trình phát triển kỹ năng ngôn ngữ, trường hợp này thường xuất hiện ở trẻ em.
- Nói lắp do các nguyên nhân về yếu tố thần kinh gây nên, trường hợp này thường xảy ra ở người lớn. Đôi khi hiện tượng nói lắp còn có sự xuất hiện của yếu tố di truyền. Ngoài ra, hiện tượng nói lắp ở người lớn còn liên quan đến yếu tố tâm lý, tuy nhiên rất hiếm.
Dù vậy, theo các chuyên gia, cả tâm lý lẫn yếu tố di truyền đều chỉ là điểm khởi đầu chứ chưa phải là nguyên nhân gây ra nói lắp.
4. Cách chữa nói lắp hiệu quả
4.1 Chữa nói lắp ở người lớn
Bệnh nói lắp ở người lớn có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên, người bệnh cần phải kiên trì và luyện tập hàng ngày trong một thời gian dài mới có thể thấy được kết quả mong muốn.
Để có thể khắc phục nói lắp, bạn nên:
Người lớn bị nói lắp có thể luyện nói trước gương mỗi ngày, kiên trì sẽ có hiệu quả (Nguồn: Internet)
- Trước hết phải xóa bỏ trở ngại về tâm lý. Nếu xem nói lắp là vấn đề quá nghiêm trọng thì trở ngại tâm lý sẽ tăng lên. Đừng căng thẳng khi chuẩn bị nói hay luôn có mặc cảm mình bị nói lắp. Bạn phải tự tin, mạnh dạn thể hiện mình, cố ý nói chuyện ở chỗ đông người để cho sự căng thẳng tâm lý giảm đi.
- Sự tập trung tinh thần vào tiết tấu và âm luật sẽ khiến bạn chuyển được sự chú ý đối với động tác phát âm, dần dần sẽ nói tự nhiên hơn. Bạn cần rèn tốc độ phát âm và nói phải chậm, tâm lý thật bình tĩnh khi nói, có thể chia lời nói thành các ý đơn giản, mỗi ý nói một lần. Câu nói phải nối với nhau.
- Luyện tập đều đặn, kiên trì hằng ngày, đứng trước gương tập nói hay thường xuyên nói chuyện cùng với những người thân là một cách đem lại hiệu quả trị tật nói lắp.
- Ngoài ra, bạn cũng cần kết hợp thêm với việc luyện tập thể dục thể thao và tập thở. Mỗi ngày nên tập đọc thành tiếng một bài báo. Tốc độ đọc chậm rãi, sau tăng dần và tiến tới đọc trơn tru, lưu loát. Nếu kiên nhẫn duy trì tập đọc thường xuyên thì kết quả sẽ tốt.
4.2 Chữa nói lắp ở trẻ em
Thông thường, tật nói lắp ở trẻ em là bình thường không có gì nghiêm trọng, mặc dù có một số trường hợp nói lắp xảy ra sau sang chấn tâm lý, nhưng tình trạng này hiếm gặp.
Nếu con bạn đang trong quá trình tập nói và bạn lo lắng về tình trạng nói lắp của con thì có thể chú ý đến các việc sau:
- Tạo cơ hội cho con được nói chuyện thoải mái và vui vẻ.
- Giúp con chuyên tâm trò chuyện mà không bị ảnh hưởng bởi các tiếng ồn khác. Ví dụ như tạo cho con thói quen nói chuyện với mọi người trong bữa ăn.
- Đừng quá quan trọng đúng sai trong câu nói của trẻ hoặc sửa lỗi mỗi khi con nói sai.
- Đừng bắt con phải nói chuyện. Thay vào đó hãy tạo cơ hội cho con tham gia các hoạt động không đòi hỏi con phải nói chuyện.
- Chăm chú lắng nghe những gì con bạn nói, duy trì giao tiếp bằng mắt thường xuyên mà không biểu lộ dấu hiệu của sự thiếu kiên nhẫn hoặc thất vọng khi thấy trẻ nói lắp.
- Khi bạn nói chuyện với con, hãy nói từ từ, chậm rãi để con bắt chước theo.
Nếu con bạn vẫn duy trì tật nói lắp đến 5 tuổi và thậm chí tệ hơn thì hãy đưa con đến gặp các chuyên gia ngữ âm trị liệu để được trợ giúp cụ thể hơn.