Ba Lan hiện là bạn hàng số 1 của Việt Nam tại khu vực Đông Âu và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài Liên minh châu Âu (EU). Đây là thông tin được ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM cho biết tại sự kiện giao lưu thương mại Việt Nam-Ba Lan trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống diễn ra tối 11/8 tại TPHCM.
Theo ông Nam, trong suốt 7 thập kỷ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Ban Lan luôn được củng cố không ngừng về mọi mặt, trong đó có quan hệ thương mại và đầu tư. Đặc biệt, việc thực thi hiệp định EVFTA đã giúp hạn chế phần nào tác động của đại dịch COVID-19 và duy trì đà phát triển tích cực của quan hệ song phương Việt Nam - Ba Lan trong lĩnh vực này.
Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ba Lan đạt gần 2,6 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Ba Lan đạt hơn 2,1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020 và giá trị nhập khẩu của việt Nam từ thị trường này đạt trên 500 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ. Riêng trong Quý I năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều việt Nam - Ba Lan đạt gần 900 triệu USD. Trong đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan đạt gần 800 triệu USD và giá trị nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 100 triệu USD.
Tuy Việt Nam đang xuất siêu sang Ba Lan, nhưng tốc độ tăng trưởng của giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Ba Lan đang tăng nhanh hơn giá trị xuất khẩu sang thị trường này cho thấy cán cân thương mại đang dịch chuyển theo hướng cân bằng hơn. Các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ba Lan gồm: hàng may mặc, thủy sản, hàng nông sản như ngũ cốc, cà phê hay giày dép các loại.
Ngược lại Ba Lan có thế mạnh về dược phẩm, nhóm sản phẩm từ sữa, thức ăn gia súc hay mỹ phẩm. Đây đang là những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu khá lớn. Riêng về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy Việt Nam và Ba Lan đều là hai quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực này, nhưng sản phẩm của hai bên về cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà hỗ trợ hiệu quả cho nhau.
Ba Lan hiện có nhu cầu lớn những mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như: gạo, cá tra, cá basa, tôm, sản phẩm xoài, dứa, chanh leo, cà phê, hạt điều… Ngược lại, Ba Lan có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều mặt hàng như thực phẩm tươi và chế biến, trái cây tươi và đóng hộp, chiết xuất trái cây đậm đặc, thịt bò, thịt cừu, thịt heo… có chất lượng cao, được sản xuất theo tiêu chuẩn của EU. Với kinh nghiệm phát triển nông nghiệp bằng công nghệ cao nhiều năm, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ Ba Lan để cải tiến công nghệ nông nghiệp bao gồm đầu tư vào nông nghiệp chuyên ngành, phân bón và máy móc.
Hiện nay, lợi ích của hiệp định EVFTA đối với quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng thể hiện rõ nét. Do vậy, phía Việt Nam mong muốn Ba Lan tiếp tục ủng hộ việc EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) cũng như sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU với các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ có tác động tích cực giúp nâng tầm quan hệ thương mại vài đầu tư Việt Nam - Ba Lan lên tầm cao mới.