Như vậy chỉ trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, giá vàng thế giới đã tăng đến 70 USD/ounce. Tính riêng trong tháng 1/2025, giá vàng giao ngay đã tăng hơn 7%.
Đóng cửa tuần giao dịch, giá vàng thế giới giảm nhẹ về mức 2.801,2 USD/ounce. Đây là mức giá đóng cửa cao chưa từng có.
Với mức giá hiện tại, quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 85,44 triệu đồng/lượng.
Đà tăng mạnh của kim loại quý này được thúc đẩy bởi nhu cầu tìm kiếm "tài sản trú ẩn an toàn" giữa những lo ngại về các biện pháp thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định áp đặt, có thể làm giảm tăng trưởng toàn cầu và đẩy lạm phát lên cao.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/1, giá vàng giao ngay đã tăng 0,6%, đạt mức 2.810,55 USD/ounce. Trong phiên sáng, vàng đã có lúc chạm mức cao nhất 2.817,23 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng đạt mức kỷ lục vào ngày 30/1 và chốt phiên 31/1 ở mức 2.822,9 USD/ounce.

Tính đến cuối tháng 1, vàng ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2024 với mức tăng trên 7% so với tháng trước. Đây là một tín hiệu rõ ràng cho thấy sự ưa chuộng của các nhà đầu tư đối với vàng trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chính trị gia tăng.
Nguyên nhân chính của sự tăng giá mạnh mẽ này là quyết định của Tổng thống Trump về việc áp thuế lên đến 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico, bắt đầu từ ngày 1/2.
Ông Trump cũng đang xem xét khả năng tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Những động thái này đã tạo ra sự không chắc chắn trong thương mại toàn cầu, khiến nhà đầu tư tìm đến vàng như một "hầm trú ẩn".
Các tín hiệu trái chiều từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và chính phủ Trump cũng góp phần làm gia tăng sự bất ổn trên thị trường. Trong khi Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định không vội cắt giảm lãi suất, Tổng thống Trump lại kêu gọi giảm chi phí vay mượn. Những bất đồng này càng làm tăng sự lo ngại về nền kinh tế Mỹ, thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản an toàn như vàng.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh thị trường vàng thế giới đang có những diễn biến mạnh mẽ, thị trường trong nước cũng biến động mạnh.
Sáng 1/2 (mùng 4 Tết), giá vàng miếng SJC được một số doanh nghiệp ở TPHCM giao dịch mua vào 86,8 triệu đồng/lượng, bán ra 88,5 triệu đồng/lượng, tăng thêm 200.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Một số tiệm vàng bán ra với giá thấp hơn, quanh mức 88,3 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng chủ yếu biến động về giá, nhu cầu giao dịch tăng nhưng quy mô không lớn do nhiều ngân hàng thương mại và công ty vàng lớn nghỉ Tết.
Giá vàng nhẫn và vàng trang sức 99,99 tăng mạnh hơn. Công ty Mi Hồng giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết và đẩy giá vàng nhẫn nhảy vọt, bằng với giá vàng miếng lên 86,7 triệu đồng/lượng mua vào, 88,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng tới khoảng 1,4 triệu đồng/lượng so với hôm qua.
Một số đơn vị khác bán ra ở mức thấp hơn, quanh 87,7 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng nhẫn có sự cách biệt giữa các thương hiệu, đơn vị kinh doanh.