Trong đó, lượng sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh, đạt 35.000 tấn (trị giá khoảng 1,77 triệu USD), số còn lại 13.000 tấn Trung Quốc nhập từ Thái Lan.
Số liệu cho thấy, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng 48,1%, trong khi Thái Lan giảm 59,5%.
Bangkokpost đánh giá, dữ liệu về tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc chỉ ra rằng Thái Lan phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ cả Việt Nam và Philippines.
Một nhà nhập khẩu sầu riêng lớn ở Trung Quốc cho biết, trước năm 2023, công ty này chỉ nhập sầu riêng từ Thái Lan nhưng sau đó phải đa dạng hóa nguồn cung để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân Trung Quốc.
Nhà nhập khẩu nói với Tân Hoa Xã rằng, nhập khẩu hiện đang được phân chia giữa Thái Lan và Việt Nam nhưng Việt Nam có lợi thế hơn do khoảng cách ngắn hơn và chi phí thấp hơn.
Theo một quan chức của Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế (DITP), Trung Quốc cho phép nhập khẩu sầu riêng tươi từ 3 nước Thái Lan, Việt Nam và Philippines.
Trước đó vào năm 2022, thị phần Thái Lan chiếm hơn 95% do Việt Nam chỉ được phép cung cấp sầu riêng cho Trung Quốc từ tháng 8 năm đó, trong khi Philippines bắt đầu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc từ đầu năm 2023.
Phó Viện trưởng Học viện Quản lý Công thương Đại học Quảng Tây Lưu Dân Khôn (Liu Minkun) đánh giá, mặt hàng sầu riêng của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng là kết quả của sự kết hợp của nhiều yếu tố.
Chất lượng cao, ưu thế chuỗi cung ứng nổi bật, quan hệ hữu nghị tốt đẹp cũng như sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng thương mại điện tử và hệ thống logistics… đã hỗ trợ mạnh mẽ cho sầu riêng bán chạy tại Trung Quốc.
Chính nhờ mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN không ngừng phát triển sâu rộng, người tiêu dùng Trung Quốc đã có cơ hội thưởng thức nhiều loại trái cây có chất lượng cao và giá bán hợp lý từ các nước ASEAN.