Chiều 4/8 tại hội thảo kỹ thuật “Thách thức của phát thanh trong giai đoạn chuyển đổi số” diễn ra tại Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) trong khuôn khổ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15 - năm 2022 đang diễn ra tại TPHCM, các chuyên gia nhận định: Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu với các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, các nền kinh tế và tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó báo chí, truyền thông cũng không ngoại lệ.
Hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia, chuyển đổi số trong các cơ quan truyền thông sẽ bổ trợ cho nhau một cách nhịp nhàng, tạo ra một kết quả tối ưu nhất, tạo ra sự đổi mới căn bản, toàn diện các hoạt động tác nghiệp và vận hành của cơ quan truyền thông, mang đến cho phóng viên, biên tập viên những tiện ích chưa từng có trong các mô hình truyền thông truyền thống. Do đó, đây là một bước ngoặt, bước phát triển tạo nên sự đột phá to lớn trong các hoạt động báo chí để đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của công dân số trong một chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi các cơ quan truyền thông phải xây dựng được tòa soạn hội tụ làm trung tâm, có sự thống nhất giữa các bộ phận: Báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử,… Bên cạnh những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nêu những thách thức mà các cơ quan truyền thông phải đối diện: “Chúng ta sẽ đối mặt với chuyện tin giả, nghẽn mạng. Thứ hai, cần có con người số; Hạ tầng có chỗ mạnh chỗ yếu, như VOH có nền tảng tương đối tốt, còn rất nhiều Đài khác đang gặp những khó khăn. Thứ ba, có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình truyền thông với nhau; Sự cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí chính thống với truyền thông mạng xã hội”.
Theo ông Nguyễn Tử Quảng, CEO của BKAV, đối với chuyển đổi số, phải lấy dữ liệu làm trung tâm, cần sử dụng các nền tảng có sẵn: “Rất nhiều nơi họ nói, muốn chuyển đổi số phải có dữ liệu lớn. Không phải. Một đơn vị nhỏ vẫn có thể chuyển đổi số. Dữ liệu chúng ta chưa lớn, nhưng tính kết nối chúng ta mới cần. Mà khi kết nối thì thường là phát sinh nhiều dữ liệu, sau đó nó mới lớn. Và việc lấy dữ liệu làm trung tâm thì sẽ thay đổi phương thức chúng ta điều hành nghiệp vụ. Tôi đúc kết như sau: Chúng ta tự động hóa, là điều hành bằng các nghiệp vụ. Nhưng với chuyển đổi số, chúng ta quay về với bản chất gốc của vấn đề là điều hành bằng các nhu cầu”.
Cũng theo ông Quảng, khi có dữ liệu làm trung tâm, phương thức tác nghiệp sẽ thay đổi, đó sẽ là phương thức tác nghiệp hội tụ. Theo đó, phóng viên biên tập viên sẽ cùng hợp tác để lên tin bài thay vì mỗi người làm độc lập theo kênh của mình. Ngoài việc hội tụ về phương thức tác nghiệp, nó cũng sẽ hội tụ về độc giả.
Trong lĩnh vực báo chí, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 362 về “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến 2025”, trong đó yêu cầu các cơ quan báo chí sẽ phải tự chủ, Nhà nước chỉ đầu tư cho các cơ quan báo chí chủ lực và đặt hàng các kênh, chương trình thiết yếu phục vụ nhiệm vụ.
Do đó, người lao động ở mỗi lĩnh vực có cơ hội phát huy năng lực của mình để các chương trình ngày càng hấp dẫn hơn với tất cả các phân khúc công chúng, đưa thương hiệu của cơ quan truyền thông ngày càng cao hơn với đồng bào ở mọi vùng miền trong cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Nhờ việc chuyển đổi số mà các công cụ và phương tiện truyền thông hiện đại được kết nối với nhau, tạo nên sự bùng nổ của hàng loạt các ứng dụng thông tin - giải trí dưới dạng đa phương tiện trên OTT và mạng xã hội, tạo ra những nhu cầu và thói quen mới.
Trong dòng chảy của thông tin số, các sản phẩm báo chí muốn được công chúng đón nhận phải đa dạng và hấp dẫn, chứa đựng hàm lượng thông tin cao nhưng lại phải nhanh và đúng định hướng, đáp ứng nhiều phân khúc công chúng trong xã hội. Muốn đạt được điều đó thì công nghệ và sự kết nối số đóng vai trò quyết định, trong đó công nghệ số hiện nay đã hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của các cơ quan truyền thông.
Như vậy chuyển đổi số chỉ còn là vấn đề nguồn vốn đầu tư cho mua sắm thiết bị công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực có thể sử dụng tốt phương tiện tác nghiệp và năng lực báo chí đa phương tiện. Khi thực hiện việc chuyển đổi số, chúng ta còn có điều kiện để phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số, thương mại điện tử, bảo đảm an ninh mạng, chống nạn tin giả luôn thách thức từ mạng xã hội đối với báo chí chính thống trong việc cung cấp thông tin.
Ngoài ra, nhờ chuyển đổi số, những cơ quan truyền thông có uy tín, vị thế còn có thể thu phí người nghe/xem với các chương trình theo yêu cầu và thu từ nhiều dịch vụ khác ngoài việc thu quảng cáo như hiện nay.
Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) có gần như đầy đủ các loại hình: Báo nói, báo hình, báo điện tử,… với mảng truyền hình thì đã được số hóa hoàn toàn từ khâu sản xuất đến phát sóng số trên vệ tinh, trên Cable, phát sóng số mặt đất DVB-T2 và các ứng dụng khác trên nền tảng internet. Riêng khâu truyền dẫn phát sóng phát thanh đã phát sóng trên đa nền tảng như phát sóng mặt đất, phát sóng trên các ứng dụng của internet,…
Hay như Đài Phát thanh Truyền hình và Báo Bình Phước là một trong cơ quan báo chí cấp tỉnh hiếm hoi chuyển đổi loại hình báo chí đa phương tiện. Theo đó, cơ quan này đã tận dụng được tòa soạn hội tụ của cả 4 loại hình báo chí để làm một.
“Hệ thống làm phát thanh truyền hình trước đây thì bây giờ đã được thay bằng các dự án mới, hạ tầng kỹ thuật mới hiện đại hơn và bắt kịp với xu hướng làm phát thanh truyền hình của huyện. Như xe màu, các thiết bị truyền dẫn phát sóng trước đây cũ được thay bằng hệ thống mới hiện đại, đạt chuẩn loại hình báo chí hiện đại. Quan trọng nhất là đài đã có 4 loại hình báo chí đi theo loại hình báo chí đa phương tiện. Có một tòa soạn hội tụ ở đó. Tất cả các nhân viên đều làm 4 loại hình báo chí, 4 loại hình này có vai trò ngang nhau. Tất cả được điều hành thông qua hệ thống internet”, bà Nguyễn Thị Minh Nhâm - Giám đốc, Tổng Biên tập của Đài Phát thanh Truyền hình và Báo Bình Phước cho hay.
Các cơ quan truyền thông cần xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ và cơ quan truyền thông đa phương tiện, lấy tòa soạn hội tụ làm trung tâm, tạo sự thống nhất giữa các bộ phận báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử. Sản xuất nội dung báo chí chất lượng cao, ứng dụng công nghệ Big Data, IoT, AI để tạo ra các trải nghiệm hấp dẫn cho công chúng,... Báo chí tận dụng quá trình chuyển đổi số để có những sản phẩm báo chí chất lượng, với độ tin cậy cao, tạo những tiện ích tốt nhất cho độc giả trong tiếp cận, sử dụng thông tin, lan tỏa và chiếm thế thượng phong trên không gian thực và không gian mạng, trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng trong đời sống xã hội. Để làm được các yêu cầu nói trên cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực báo chí đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Việc cạnh tranh giữa các loại hình truyền thông với nhau, giữa các cơ quan truyền thông với nhau trong thời gian tới sẽ diễn ra quyết liệt hơn, có những cơ quan truyền thông sẽ đạt tới đỉnh cao nhưng cũng có những cơ quan truyền thông không tiếp tục đứng vững được trên môi trường báo chí hiện nay, đó cũng là quy luật chung của thị trường. Do đó, muốn tồn tại và phát trển thì bắt buộc các cơ quan truyền thông phải có một hướng đi đúng, đúng thời điểm, đúng lộ trình và lựa chọn phương thức chuyển đổi số phù hợp với điều kiện và khả năng của chính mình.