Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Bà bầu ăn cua được không? 5 lợi ích sức khỏe và lưu ý nên biết

(VOH) – Cùng với tôm hay cá, các loại cua cũng được xếp vào nhóm thực phẩm rất giàu dưỡng chất. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng ăn cua trong thai kì sẽ có hại cho sức khỏe. Vậy bà bầu ăn cua được không?

Các món ăn được chế biến từ cua đồng hay cua biển – những nguyên liệu dồi dào chất dinh dưỡng đều có hương vị khá độc đáo, góp phần “làm mới” thực đơn hàng ngày. Vì vậy để không bỏ lỡ cơ hội thưởng thức nhiều món ngon từ cua cũng như hấp thu dưỡng chất, cùng tìm hiểu thêm về tác động của loại thực phẩm này tới sức khỏe thai kì trong bài viết này mẹ nhé! 

1. Bà bầu ăn cua được không?

Vốn là một trong những “tặng phẩm” mà thiên nhiên ưu đãi cho chúng ta, các loại cua “hội tụ” hàm lượng lớn omega – 3, vitamin nhóm B, chất đạm cùng đa dạng khoáng chất. Chính vì lý do đó, các chuyên gia sức khỏe đưa ra lời khuyên rằng nếu mẹ không có tiền sử dị ứng cua trước khi mang thai thì có thể thêm cua trong thực đơn dưỡng thai.

2. Bà bầu ăn cua tốt cho sức khỏe thế nào?

Bổ sung cua với lượng hợp lý, vừa đủ trong khẩu phần ăn của mẹ bầu sẽ đem đến một số lợi ích sức khỏe quý giá sau: 

2.1 Củng cố xương chắc khỏe

Theo phân tích dinh dưỡng, cua biển và cua đồng đều chứa hàm lượng canxi tương đối lớn, trung bình 100g cua đồng có khoảng 91mg canxin, còn với 100g thịt cua biển cung cấp khoảng 141mg canxi.

Lượng chất này sẽ tham gia vào quá trình hình thành tế bào xương, hộp sọ và răng của thai nhi, đồng thời tăng mật độ khoáng xương, khắc phục tình trạng nhức mỏi thường gặp ở mẹ bầu. (1) 

ba-bau-an-cua-duoc-khong-5-loi-ich-suc-khoe-va-luu-y-nen-biet-voh-0
Hấp thu canxi từ cua giúp thúc đẩy sự phát triển hệ vận động của thai nhi (Nguồn: Internet)

2.2 Cải thiện hệ miễn dịch

Thêm cua vào thực đơn là cách giúp mẹ chủ động tiếp nạp thêm lượng chất đạm cần thiết để duy trì hoạt động sống và vận chuyển dưỡng chất nuôi dưỡng thai nhi. Bên cạnh đó, nhóm chất này được xem như một thành tố quan trọng tạo nên các tế bào bạch cầu trung tính giúp ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. (2) 

Xem thêm: Sức đề kháng là gì? Tầm quan trọng của nó đối với cơ thể

2.3 Phòng chống khuyết tật ống thần kinh

Trong giai đoạn mang thai (đặc biệt là thời kì tam cá nguyệt đầu tiên) mẹ luôn được khuyến cáo phải dùng đủ liều lượng dưỡng chất vitamin B9 (axit folic), nhằm giảm thiểu tỉ lệ thai nhi mắc khuyết tật ống thần kinh hay các dị tật bẩm sinh. Do vậy cùng với việc uống trực tiếp ở dạng viên, mẹ có thể bổ sung từ các nguồn thực phẩm giàu nhóm chất này như cua. (3) 

2.4 Tăng cường trí nhớ 

Axit béo omega-3 có trong các loại cua được đánh giá là dưỡng chất lành mạnh, hỗ trợ tăng cường trí nhớ, duy trì hoạt động của não bộ bằng cách thúc đẩy lưu thông máu lên não và tăng kết nối giữa các tế bào thần kinh. (4) 

Xem thêm: Giải pháp của bác sĩ về cách tăng cường trí nhớ cho mẹ, phát triển não bộ cho bé

2.5 Ngăn ngừa thiếu máu

Bên cạnh vai trò bảo vệ em bé khỏi nguy cơ mắc các khuyết tật bẩm sinh, vitamin B9 còn kết hợp với vitamin B12 kích thích sản sinh tế bào hồng cầu, phòng ngừa tình trạng thiếu máu xảy ra trong thai kì, từ đó hạn chế gặp phải các tai biến sản khoa nghiêm trọng. (5) 

ba-bau-an-cua-duoc-khong-5-loi-ich-suc-khoe-va-luu-y-nen-biet-voh-1
Vitamin nhóm B từ cua sẽ giúp mẹ không bị thiếu máu trong thai kì, cải thiện tình trạng mệt mỏi (Nguồn: Internet)

3. Những lưu ý ăn cua đúng cách bà bầu cần biết

Tuy cua là nguồn nguyên liệu cung cấp dồi dào các dưỡng chất, song để bảo vệ an toàn sức khỏe cũng như phòng tránh tối đa những tác dụng phụ tiềm ẩn, trong quá trình chế biến và sử dụng nhóm thực phẩm này, các mẹ nên lưu ý một số điều dưới đây: 

  • Chọn mua cua còn sống, tươi ngon, hạn chế sử dụng các loại cua đã bảo quản đông lạnh lâu ngày. 
  • Không nên tập trung ăn quá nhiều cua, hãy đa dạng nhiều nhóm thực phẩm trong thực đơn. Trong tuần chỉ ăn từ 1 – 2 bữa với cua đồng, khoảng 150 – 200g mỗi lần là hợp lý nhất. Với cua biển thì chỉ ăn tối đa 2 con một lần và khoảng từ  2 – 3 lần trong một tháng. 
  • Sử dụng cua đã được làm sạch, nấu chín hoàn toàn để tránh tình trạng nhiễm độc thủy ngân hay các chất hóa chất độc hại khác. 
  • Nếu nhận thấy có dấu hiệu dị ứng ngứa ngáy, phát ban đỏ thì cần ngưng sử dụng. 

Nhìn chung, bà bầu ăn cua để tăng cường sức khỏe của mẹ và thúc đẩy sự phát triển của thai nhi. Chỉ cần mẹ lưu ý trong cách chế biến và ăn cua, ăn với lượng vừa phải để phát huy được tối đa vai trò dinh dưỡng của loại thực phẩm này.