Chờ...

Bà bầu ăn trứng vịt lộn - nên hay không nên?

(VOH) – Có rất nhiều người thích ăn hột vịt lộn và bà bầu cũng là một trong số đó. Tuy nhiên, bà bầu ăn trứng vịt lộn được không và thực hư câu chuyện ăn hột vịt lộn để sinh con da trắng là thế nào?

Hột vịt lộn là một trong những món ăn vặt được khá nhiều mẹ bầu yêu thích, vì theo quan niệm dân gian, bà bầu ăn trứng vịt lộn sẽ sinh con da trắng, chân dài và khỏe mạnh. Tuy nhiên trước khi nói về “tính thực hư” của câu chuyện này, bạn cần tìm hiểu rõ liệu bà bầu ăn trứng vịt lộn có được không?

1. Bà bầu ăn trứng vịt lộn có tốt không?

Cho đến hiện tại vẫn chưa có một nghiên cứu nào khẳng định về những tác động tích cực hay tiêu cực của trứng vịt lộn đối với thai kỳ.

Tuy nhiên, xét về mặt dinh dưỡng, trứng vịt lộn vốn nổi tiếng là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao, rất giàu năng lượng, protein, canxi, photpho, sắt, lipid.... và nhiều loại vitamin khác nhau rất tốt cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

ba-bau-an-trung-vit-lon-voh-0

Hột vịt lộn là món ăn chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Do đó, các chuyên gia cho rằng, mẹ bầu có thể ăn được trứng vịt lộn trong thai kỳ, tuy nhiên không nên ăn quá nhiều và cũng nên hạn chế không ăn cùng rau răm, vì đây là loại rau có hại cho thai nhi.

2. Bà bầu ăn trứng vịt lộn có lợi ích gì?

Vì chứa thành phần dinh dưỡng đa dạng nên bà bầu ăn trứng vịt lộn có thể nhận được rất nhiều lợi ích sức khỏe như:

2.1 Cung cấp sắt cho cơ thể

Khi bà bầu ăn trứng vịt lộ sẽ giúp cung cấp một lượng sắt nhất định cho cơ thể, chất sắt sẽ thực hiện nhiệm vụ tạo máu, giúp ngăn ngừa thiếu máu thai kỳ. Ngoài ra, hột vịt lộn cũng giúp tăng cường sức đề kháng và tạo ra nhiều năng lượng để cơ thể mẹ bầu không bị mệt mỏi.

2.2 Giúp bổ sung canxi

Một quả trứng vịt lộn có thể cung cấp khoảng 82mg canxi.  Hàm lượng canxi dồi dào có trong món ăn này cũng sẽ là một “trợ thủ” đắc lực giúp thai nhi tăng cân nhanh, lớn đạt chuẩn trong từng giai đoạn thai kỳ.

2.3 Bổ sung vitamin A

Trứng vịt lộn chứa nhiều loại vitamin khác nhau, trong đó vitamin A có hàm lượng khá cao và đây cũng là vitamin cần thiết cho sự phát triển các cơ quan mắt, thận, gan, phổi, tim và hệ thần kinh trung ương của thai nhi.

2.4 Bồi bổ cơ thể

Trứng vịt lộn cũng là món ăn vô cùng tốt giúp bồi bổ cơ thể, đặc biệt là với những mẹ bầu đang bị suy nhược cơ thể, hay đau đầu chóng mặt, thiếu máu mệt mỏi.

Xem thêm: Bật mí mẹ 5 món ăn tốt cho bà bầu siêu ngon, giàu dinh dưỡng

3. Bà bầu ăn bao nhiêu trứng vịt lộn thì tốt?

Trứng vịt lộn tốt cho sức khỏe, nhưng không phải vì thế mà mẹ bầu lại ăn trứng vịt lộn liên tục. Bởi khi tiêu thụ quá nhiều trứng vịt lộn, mẹ sẽ có nguy cơ nạp nhiều cholesterol xấu khiến mẹ dễ mắc phải các bệnh lý về tim mạch, tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp..

Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, thai phụ chỉ nên ăn khoảng 2 quả một tuần và mỗi lần ăn không nên ăn nhiều hơn 1 quả.

ba-bau-an-trung-vit-lon-voh-1
Mẹ bầu không nên ăn quá 2 trứng hột vịt lộn mỗi tuần (Nguồn: Internet)

Không nên ăn trứng vịt lộn vào buổi tối trước khi đi ngủ, bởi lượng đạm trong món ăn này sẽ dễ khiến mẹ bầu bị đầy hơi, khó tiêu, mất ngủ và nôn nao suốt đêm. Đặc biệt, mẹ bầu không nên ăn trứng vịt lộn kèm quá nhiều rau răm. Vì bà bầu ăn rau răm nhiều sẽ không an toàn cho bé yêu trong bụng.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần hạn chế ăn trứng vịt lộn trong các giai đoạn đầu và cuối thai kỳ. Nguyên nhân là do nguồn năng lượng trong món ăn này quá dồi dào sẽ không phù hợp với những thời điểm trên. Lượng cholesterol và năng lượng quá mức có thể khiến sức khỏe mẹ bầu ngày càng tệ, và cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.

4. Thực hư những quan niệm dân gian về việc bà bầu ăn trứng vịt lộn

Nhiều người cho rằng, bà bầu ăn nhiều trứng vịt lộn con sinh ra sẽ được chân dài, da trắng, tóc mọc nhiều, hoặc có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn... Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay vẫn chưa có bất cứ nghiên cứu nào chứng minh tính chính xác ủa quan niệm này. Tất cả chỉ là quan niệm dân gian hoặc những đồn đoán không có căn cứ.

Thực tế, trẻ chân dài, da trắng, tóc ít hay nhiều thường phụ thuộc vào gen của cha mẹ và hàm lượng canxi mà trẻ hấp thụ được trong thai kỳ. Hay trẻ bị hen suyễn khi vừa mới sinh ra thường liên quan đến hô hấp, khi phế quản phản ứng lại với một số yếu tố như khói bụi, lông động vật...hoặc do di truyền. Những vấn đề này hoàn toàn không liên quan đến việc bà bầu ăn trứng vịt lộn hay không.

Như vậy, bà bầu hoàn toàn có thể ăn trứng vịt lộn trong thai kỳ, miễn đừng lạm dụng quá nhiều. Tốt nhất, mẹ bầu nên bổ sung dinh dưỡng từ nhiều nguồn khác nhau để cơ thể có thể hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, mẹ nhé!