Chờ...

Vì sao bé ăn mì tôm hại nhiều hơn lợi?

(VOH) – Mì tôm, mì gói hay mì ăn liền là món ăn yêu thích của nhiều trẻ nhỏ. Tuy nhiên sẽ là ‘lợi bất cập hại’ nếu bạn cho bé ăn mì tôm quá nhiều.

Mì tôm (mì ăn liền) đã trở thành một loại đồ ăn quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên, theo những phân tích của các nhà khoa học trong buổi tọa đàm “Hiểu đúng về dinh dưỡng của mì tôm” do báo Khoa học – Đời sống tổ chức đã cho thấy, đây là loại thức ăn nhanh không nên lạm dụng, nhất là trẻ em.

1. Vì sao bé ăn mì tôm lại không tốt?

Theo trung tâm phân tích thí nghiệm (Sở KHCN TPHCM) có khoảng 38% mẫu mì tôm trên thị trường chứa trans fat – một dạng chất béo không có lợi cho cơ thể. Ngoài ra, trong thành phần của mì tôm còn chứa nhiều chất béo bão hòa, tinh bột nhưng lại ít protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất.

vi-sao-be-an-mi-tom-hai-nhieu-hon-loi-voh-0
Mì tôm là loại thực phẩm "nghèo" dinh dưỡng (Nguồn: Internet)

Trẻ ăn mì tôm có thể được cung cấp năng lượng nhanh chóng, nhưng đó là “calo rỗng” không hề có lợi cho sức khỏe của con.

Do đó, nếu bạn thường xuyên cho bé ăn mì có thể sẽ dẫn đến một số tác hại sau đây:

1.1 Cản trở sự phát triển trí tuệ và thể chất của bé

Mì tôm không chứa nhiều chất dinh dưỡng, không cung cấp đủ dưỡng chất cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt là sự phát triển của não bộ.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia - năng lượng từ protein cần thiết cho cơ thể ở mức 12 – 14%. Tuy nhiên, năng lượng từ protein trong mì tôm chỉ khoảng 6 - 7%. Do đó, nếu bé ăn mì tôm thường xuyên có thể dẫn thiếu máu, hạn chế phát triển chiều cao.

Hơn thế, mì ăn liền còn có khả năng ức chế việc hấp thụ các dưỡng chất khác của cơ thể.

1.2 Gây béo phì

Mì tôm được chiên ngập dầu trong quá trình chế biến nên sợi mì cũng chứa nhiều chất béo chuyển hóa từ dầu. Dầu được sử dụng phổ biến nhất để chế biến mì ăn liền là dầu cọ, chứa nhiều chất béo bão hòa. Do đó bé ăn mì tôm thường xuyên có thể bị béo phì.

Xem thêm: Bác sĩ Đào Thị Yến Phi chia sẻ cách giúp trẻ béo phì không tăng cân thêm

1.3 Tăng cân mất kiểm soát

Mì tôm chứa nhiều carbohydrate không có lợi cho sức khỏe. Các chất này không làm no nên bé có thể sẽ ăn nhiều hoặc ăn thêm những loại thức ăn khác, dẫn đến tăng cân không cần thiết.

1.4 Tăng nguy cơ mắc bệnh tim, gan, tụy

Thành phần natri trong các gói gia vị của một số loại mì tôm thường vượt quá mức tiêu thụ hàng ngày cho một đứa trẻ, điều này có thể làm có thể gây tăng huyết áp ở trẻ em.

vi-sao-be-an-mi-tom-hai-nhieu-hon-loi-voh-1
Bé ăn mì tôm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, gan và thận (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, thành phần chất béo dạng trans fat có trong mì ăn liền cũng góp phần làm tăng mức cholesterol xấu trong máu, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Hơn thế, theo các chuyên gia tại Viện Dinh dưỡng của Học viện Khoa học Nga, thường xuyên sử dụng các sản phẩm ăn liền sẽ hại đến gan, tuyến tụy và gây chứng viêm dạ dày.

1.5 Tăng nguy cơ ung thư

Ung thư có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng. Mì tôm được đánh giá là loại thực phẩm “nghèo” dinh dưỡng, vì thế thường xuyên cho trẻ tiêu thụ mì ăn liền có thể sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

2. Mẹ cần làm gì khi trẻ muốn ăn mì tôm?

Có thể thấy, cho bé ăn mì tôm không phải là lựa chọn lành mạnh và an toàn. Tuy nhiên, nếu bé quá thích ăn mì tôm, thì thỉnh thoảng bạn vẫn có thể nấu mì cho bé ăn với một số bí quyết sau:

  • Trước khi chế biến, hãy trụng mì qua nước sôi đến khi thấy các sợi mì bắt đầu tách rời nhau, thì bạn vớt mì, bỏ nước. Sau đó, dùng mì này chế biến món ăn cho trẻ.
  • Thêm các loại rau như cà rốt, cải bó xôi, cải bắp, đậu Hà Lan.... vào bát mì để bổ sung dinh dưỡng.
  • Không nên sử dụng gói dầu gia vị có sẵn trong mì, bạn có thể thay bằng loại dầu ăn dành cho trẻ để đảm bảo an toàn sức khỏe.
vi-sao-be-an-mi-tom-hai-nhieu-hon-loi-voh-2
Sơ chế mì tôm đúng cách sẽ hạn chế được những nguy hại từ thực phẩm (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, khi mua mì cho trẻ, bạn nên chọn mua những loại mì có chứa ít natri và chất béo no. Thông thường tỷ lệ được đề cập trên bao bì là dựa theo nhu cầu của người lớn. Với trẻ nhỏ, bạn cần lựa chọn những sản phẩm có chứa các thành phần ít nguy hại hơn.

3. Một số lựa chọn thay thế lành mạnh cho mì tôm

Thay vì cho trẻ ăn mì tôm, bạn có thể thay thế mì bằng các món ăn nhẹ bổ dưỡng khác cho con bạn, chẳng hạn như:

3.1 Sữa chua

Sữa chua không chỉ giúp trẻ thỏa mãn cơn đói mà còn hỗ trợ tiêu hóa và giữ cho dạ dày của trẻ mát mẻ. Thêm một ít trái cây xay nhuyễn và cắt nhỏ, bạn sẽ có một bữa ăn nhẹ ngon lành khác cho đứa con của mình.

3.2 Bột yến mạch

Bột yến mạch là một món ăn nhẹ khác không tốn nhiều thời gian nấu nướng. Nấu yến mạch với một ít sữa, trái cây, mật ong... để tạo ra một món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng.  

3.3 Các loại hạt, trái cây sấy khô

Bạn có thể sử dụng hạnh nhân, óc chó, hạt điều, nho khô... để cung cấp cho bé một bữa ăn nhẹ lành mạnh hơn thay vì ăn mì tôm. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo bé có thể nhai đúng cách và không bị dị ứng với bất kỳ loại trái cây sấy khô nào.

3.4 Đậu phộng rang

Đậu phộng rang là một sự thay thế tuyệt vời khác thay cho mì ăn liền. Tuy nhiên, bạn vẫn cần đảm bảo con bạn không bị dị ứng với đậu phộng.

3.5 Mì hữu cơ

Mì hữu cơ được sản xuất tại địa phương như bún, mì gạo,... Đây có thể là một sự thay đổi thông minh để bé biết rằng bé vẫn đang được ăn mì, chỉ là nó được làm ở một dạng khác.

Tóm lại, mì tôm có thể là lựa chọn hữu ích cho người lớn trong những lúc bận rộn, nhưng chúng không phải là lựa chọn lành mạnh và an toàn cho trẻ. Vì thế, việc cho bé ăn mì tôm cũng không tốt, bạn vẫn nên tìm những sự lựa chọn khác thay thế mì tôm trong các bữa ăn của trẻ.

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh