Chờ...

Chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cần lưu ý điều gì?

(VOH) – Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp có thể tự khỏi nếu được theo dõi và chăm sóc tại nhà tốt. Vậy cha mẹ cần lưu ý những điều gì khi chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính?

Câu hỏi thính giả

Chào bác sĩ, con của em được 6 tháng vừa mới hết sốt, ho, sổ mũi được mấy ngày. Hôm nay em lại thấy bé cứ hầm hầm, chảy nước mũi, em đặt nhiệt độ thì 37.5 độ.  Như vậy thì có cần cho bé uống thuốc gì hay không?

Thính giả Tú Như 

cham-soc-tre-bi-nhiem-khuan-duong-ho-hap-can-luu-y-dieu-gi-voh

Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cần lưu ý cần lưu ý điều gì? (Nguồn: Internet)

Bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên (Trưởng khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhi Đồng TP) tư vấn

Khi bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính, trẻ thường sẽ có những biểu hiện là ho, chảy nước mũi và sốt nhẹ. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính thì tác nhân thường gặp nhất đó là virus. 

Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính, cha mẹ hoàn toàn có thể là chăm sóc tại nhà nếu như em bé không có biểu hiện nặng. Một trong những dấu hiệu, biểu hiện nặng cần lưu ý đó là tình trạng thở nhanh ở em bé. 

Đối với những trường hợp trẻ chưa có biểu hiện nặng, tức là nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính mức độ nhẹ thì cha mẹ cần lưu ý những điều sau đây:

  • Thứ nhất: Vệ sinh mũi bé sạch sẽ để giúp bé dễ thở và không gặp khó khăn khi ăn. Bởi hầu như những động tác thở của trẻ đều bằng đường mũi, nếu trẻ bị nghẹt mũi thì sẽ rất khó thở.
  • Thứ 2: Theo dõi khi trẻ có hiểu hiện sốt cao. Nếu bé sốt từ 38.5 độ trở lên cha mẹ có thể cho bé uống thuốc hạ sốt và mặc đồ thoáng mát hơn.
  • Thứ 3: Cho bé uống đủ nước. Uống đủ nước sẽ giúp làm loãng đờm nhớt trong cơ thể bé, khi bé có động tác ho thì đờm nhớt sẽ dễ tống xuất ra ngoài hơn và bé sẽ dễ chịu hơn.
  • Thứ 4: Đảm bảo trong vấn đề ăn uống của trẻ. Trong trường hợp bé bị ho thì sẽ rất dễ bị nôn, sặc, do đó khi cho bé ăn thì cha mẹ chỉ nên cho ăn từng lượng nhỏ và chia nhỏ các cữ ăn. Không nên cho bé ăn quá nhiều, quá no trong một lần ăn, vì rất dễ khiến bé bị sặc. Khi trẻ bị sặc sẽ làm tăng nguy cơ dị vật xâm nhập phổi và có thể gây viêm phổi.
  • Thứ 5: Cần lưu ý những dấu hiệu khi bé trở nặng để kịp thời đưa bé tới khám, tránh trường hợp chậm trễ sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Khi có chuyển biến nặng, ngoài dấu hiệu thở nhanh thì bé còn thể gặp phải những dấu hiệu khác như bé hoàn toàn không ăn hoặc bú, bé bị nôn ói, em bé bứt rứt, khó chịu, sốt cao không hạ, bé nằm li bì… Đây là những dấu hiệu cảnh báo trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính có thể đã trở nặng và cha mẹ cần phải đưa em bé đi khám ngay.

Bạn có thể nghe lại câu trả lời trực tiếp của bác sĩ từ audio dưới đây: