Tiêu điểm: Nhân Humanity

Điều cần biết về xét nghiệm Double test và Triple test trong thai kỳ

Sàng lọc trước khi sinh không còn xa lạ với phụ nữ mang thai, nhưng không phải ai cũng hiểu đúng về từng xét nghiệm. Trong đó có Double và Triple test - những xét nghiệm giúp tầm soát dị tật thai nhi.

Xét nghiệm trước sinh là xét nghiệm dành cho các bà mẹ mang thai để biết được thai nhi có mắc những dị tật bẩm sinh liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Down, dị dạng tim, thoát vị não, thoát vị cơ hoành…

Các phương pháp sàng lọc trước khi sinh hiện nay gồm có siêu âm, xét nghiệm Double test, Triple test, NIPT. Trong đó, Double test và Triple test là 2 phương pháp xét nghiệm phổ biến ở quý I và quý II thai kỳ.

1. Xét nghiệm Double test là gì?

Double Test là xét nghiệm sàng lọc sử dụng các xét nghiệm Hóa sinh như định lượng β-hCG tự do và PAPP-A trong máu thai phụ. Phương pháp này cùng với việc đo độ mờ da gáy bằng siêu âmđộ tuổi người mẹ sẽ giúp bác sĩ đánh giá liệu thai nhi có nguy cơ mắc một số hội chứng Down, Tam nhiễm sắc thể 13 (hội chứng Patau) và 18 (hội chứng Edward).

Phương pháp xét nghiệm Double test được thực hiện ở quý I của thai kỳ (từ 11 tuần 1 ngày đến 13 tuần 6 ngày). Double test bằng cách lấy máu mẹ, từ đó có được chỉ số cần xét nghiệm kết hợp với chỉ số mờ da gáy khi siêu âm để tính ra nguy cơ bệnh của thai.

dieu-can-biet-ve-xet-nghiem-double-test-va-triple-test-trong-thai-ky-VOH

Xét nghiệm Double test trước sinh để phát hiện kịp thời những nguy cơ đối với thai nhi (Nguồn: Internet)

Xét nghiệm Double Test không có khả năng phát hiện tất cả các dị tật nhiễm sắc thể mà chỉ cảnh báo thai có nguy cơ tăng đối với một số nguy cơ nêu trên. Nếu Double Test chỉ ra nguy cơ dị tật bẩm sinh cao (dương tính), thì thai phụ cần phải tiến hành thêm một vài xét nghiệm chuyên môn khác để có kết quả chính xác nhất.

2. Xét nghiệm Triple test là gì?

Phương pháp xét nghiệm Triple test được làm ở quý II của thai kỳ (từ tuần thứ 14 đến tuần thứ 22) nhằm phát hiện các thai có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh. Xét nghiệm này cũng sử dụng mẫu máu của người mẹ để tìm hiểu rối loạn bẩm sinh ở thai nhi.

Triple test còn được gọi là bộ 3 xét nghiệm, bởi vì chúng sẽ cho biết 3 chỉ số: hCG, AFP và estriol. Thông qua các chỉ số đó để tính nguy cơ dị tật của thai. Trong đó:

  • hCG: một loại hormone được sản xuất trong nhau thai
  • AFP: một loại protein được sản xuất bởi bào thai
  • Estriol: một loại estrogen được sản xuất bởi bào thai và nhau thai

Trường hợp thai phụ chưa được làm xét nghiệm Double test trong giai đoạn đầu thai kỳ thì sẽ được làm xét nghiệm Triple test khi thai được khoảng 15 – 20 tuần tuổi.

dieu-can-biet-ve-xet-nghiem-double-test-va-triple-test-trong-thai-ky-1-VOH

Xét nghiệm Triple test khi thai được khoảng 15 – 20 tuần tuổi (Nguồn: Internet)

Thông thường, thực hiện xét nghiệm trong khoảng 16 - 18 tuần tuổi của thai nhi sẽ cho kết quả chính xác nhất (xét nghiệm AFP, Free β- hCG và uE3, sau đó kết hợp giá trị xét nghiệm với tuổi mẹ, cân nặng mẹ, chủng tộc, tuổi thai, số thai) để tính ra chỉ số nguy cơ.

Triple test là xét nghiệm giúp khẳng định lại một lần nữa kết quả của Double test vì xét nghiệm này cũng cho ra những nguy cơ về hội chứng Down và nguy cơ của tam nhiễm sắc thể 18. Đặc biệt, với xét nghiệm Triple test còn giúp phát hiện thêm nguy cơ thai có bị dị tật ống thần kinh hay không (những bất thường ở não và tủy sống).

3. Cách phân biệt Triple test và Double test

 

Double test

Triple test

Mục đích xét nghiệm

Giúp xác định nguy cơ mắc các hội chứng:

  • Hội chứng Down (thừa NST 21)
  • Hội chứng Trisomy 18 (thừa NST 18)
  • Hội chứng Trisomy 13 (thừa NST 13).

Giúp xác định nguy cơ mắc các hội chứng:

  • Hội chứng Down (thừa NST 21)
  • Hội chứng Trisomy 18 (thừa NST 18)
  • Dị tật ống thần kinh.

Thời điểm thích hợp

Từ 11 tuần 1 ngày đến 13 tuần 6 ngày

Từ tuần 14 đến tuần 22

Loại chất cần xác định

Xét nghiệm PAPPA – A (PAA) và Free Beta hCG

Xét nghiệm huyết thanh AFP, Free β- hCG và uE3

Lưu ý: Dù là xét nghiệm Double test hay xét nghiệm Triple test thì cũng đều không khẳng định mà chỉ tìm ra bất thường và chỉ rõ nguy cơ mắc dị tật là cao hay thấp.

4. Đối tượng nào cần làm xét nghiệm Double test và Triple test

Không phải thai phụ nào cũng cần thực hiện xét nghiệm Double test và Triple Test mà bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể cho từng trường hợp. Tuy nhiên, sẽ có những nhóm đối tượng có nguy cơ cao cần nên làm xét nghiệm như:

  • Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi
  • Từng mang thai hoặc sinh mang dị tật di truyền
  • Phụ nữ từng bị sảy thai hoặc thai chết lưu không rõ nguyên nhân
  • Gia đình có tiền sử dị tật bẩm sinh
  • Bà bầu bị nhiễm virus hoặc bị đái tháo đường

Trên đây là một số thông tin cơ bản về xét nghiệm Double test và Triple test. Chị em cần nhớ Double test hay Triple test đều không phải là xét nghiệm chẩn đoán mà chỉ là xét nghiệm sàng lọc nhằm đánh giá nguy cơ dị tật ở thai nhi, do đó, chị em cần phải tuân thủ lịch khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Bình luận