Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Khi nào thì nên dùng kháng sinh cho trẻ em?

Việc dùng kháng sinh một cách ‘vô tội vạ’ ở trẻ em gây nhiều ảnh hưởng không tốt đến cơ thể trẻ, thậm chí gây ra tình trạng 'kháng kháng sinh'. Vậy khi nào thì có thể dùng kháng sinh cho trẻ em?

1. Vì sao không nên lạm dụng thuốc kháng sinh cho trẻ em?

Thuốc kháng sinh là những hợp chất được tổng hợp ly trích từ các vi sinh vật như vi nấm, chúng có tác dụng ức chế sự phát triển hoặc tiêu diệt các vi khuẩn có hại gây bệnh cho cơ thể.

Theo Ths.BS Nguyễn Thu Hằng – Sách Tiểu bách khoa về chăm sóc trẻ có chia sẻ, thuốc kháng sinh giúp trị các bệnh nhiễm khuẩn, tuy nhiên chúng ta không nên lạm dụng thuốc sinh, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Nguyên nhân là do dù là thuốc uống, thuốc tiêm hay thuốc bôi ngoài da... khi được đưa vào cơ thể đều được hấp thụ, chuyển hóa ở gan và đào thải qua thận, trong khi chức năng của gan và thận ở trẻ còn khá yếu, khả năng thải trừ thuốc cũng chậm hơn nhiều so với người trưởng thành. Vì vậy, thuốc dễ bị tích tụ trong cơ thể từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cơ thể bé.

Ngoài ra, việc dùng kháng sinh một cách tràn lan, không theo chỉ định bác sĩ có thể sẽ gây nhờn thuốc. Dẫn đến các hệ lụy như: kháng kháng sinh, gây tiêu chảy ở trẻ, dị ứng,...

2. Những trường hợp nào mẹ có thể dùng kháng sinh cho trẻ?

Thông thường, khi trẻ bị bệnh cha mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám và đưa ra những hướng điều trị thích hợp, an toàn nhất. Ngoài ra, có một số căn bệnh cha mẹ cần biết để cân nhắc đến việc cho trẻ dùng kháng sinh.

khi-nao-thi-nen-dung-khang-sinh-cho-tre-em-voh

Một số trường hợp mẹ có thể cho bé dùng thuốc kháng sinh (Nguồn: Internet)

2.1 Viêm họng

Trong các trường hợp đau, viêm họng do virus gây ra thì việc cho trẻ uống kháng sinh sẽ không thể giải quyết được. Tuy nhiên, nếu như bé bị viêm họng do khuẩn liên cầu Streptococcus (khuẩn strep) thì việc dùng kháng sinh là bắt buộc.

Do vậy, khi thấy bé bị viêm họng cha mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thực hiện test nhanh nhằm phát hiện nguyên nhân gây bệnh có phải do khuẩn strep hay không. Khi trẻ bị viêm họng sẽ thường kèm theo các triệu chứng như bé bị sốt, viêm amidan, xuất hiện chấm nhỏ đỏ ở miệng, sưng mạch bạch huyết.

2.2 Đau mắt đỏ

Trẻ bị đau mắt đỏ phần lớn là do vi khuẩn, virus, dị ứng với các chất gây kích ứng trong không khí gây ra,

Đau mắt đỏ là căn bệnh rất dễ lây lan và không có xét nghiệm nhanh để xác định chính xác nguyên nhân. Vì thế, thông thường bác sĩ sẽ có xu hướng kê đơn thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ kháng sinh cho bé. Đây là cách giúp tăng tốc độ hồi phục, đồng thời không gây tình trạng kháng kháng sinh.

Vì thế, trong trường hợp này cha mẹ có thể cho bé sử dụng kháng sinh, tuy nhiên nếu phần tròng mắt ở mắt trẻ chuyển sang đỏ và bị sưng thì cha mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để điều trị.

2.3 Viêm tai giữa

Có 2 loại viêm tai giữa thường gặp là viêm tai giữa có chảy dịch (khi tai giữa bị bít lại do dịch từ chất dị ứng hay kích thích) và viêm tai giữa cấp tính.

Thông thường, khi bị viêm tai giữa mẹ có thể dùng thuốc giảm đau cho trẻ, nếu trẻ không đỡ mới dùng đến kháng sinh.

Việc dùng kháng sinh cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh của trẻ. Những trẻ có triệu chứng nhẹ như chỉ bị viêm ống tai ngoài thì mẹ có thể dùng kháng sinh nhỏ vào tai để điều trị. Những trẻ có triệu chứng nghiêm trọng thì bắt buộc phải sử dụng thuốc kháng sinh cho bé bằng đường uống ngay lập tức.

2.4 Viêm phổi

Viêm phổi cũng là căn bệnh thường gặp ở trẻ em. Việc điều trị căn bệnh này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tình trạng thể chất và nguyên nhân gây bệnh như: virus, vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng.

Nếu viêm phổi do virus gây ra, bé không cần phải uống kháng sinh nhưng nếu bệnh do vi khuẩn gây ra thì bắt buộc bé phải được điều trị bằng kháng sinh. Tùy vào loại vi khuẩn gây bệnh mà bác sĩ sẽ kê toa kháng sinh phù hợp cho bé.

3. Các loại thuốc kháng sinh cho bé cha mẹ cần thận trọng khi dùng

Theo Ths.BS Nguyễn Thu Hằng, một số loại thuốc kháng sinh cha mẹ cần đặc biệt thận trọng khi dùng cho trẻ nhỏ như:

  • Cloramphenicol: Có thể gây ra ‘hội chứng xanh xám’ cho trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sinh non. Sau khi dùng thuốc này trẻ bị xanh tái dần, dẫn đến trụy tim mạch và tử vong. Thuốc này còn gây ngộ độc cho tủy xương, nếu dùng thời gian dài có thể gây suy tủy, thiếu máu không hồi phục.
  • Tetracyclin: Loại thuốc này không dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 8 tuổi vì nó có thể làm chậm sự phát triển của xương, làm răng vàng nâu vĩnh viễn. Ngoài ra, Tetracyclin còn làm căng thóp ở trẻ sơ sinh.
  • Một số loại kháng sinh như Streptomycin, Gentamycin dùng cho trẻ sơ sinh dễ gây điếc, Bactrim dễ gây vàng da và gây hại cho thận.

khi-nao-thi-nen-dung-khang-sinh-cho-tre-em-1-voh

Một số loại kháng sinh cha mẹ cần thận trọng khi sử dụng cho bé (Nguồn: Internet)

Lưu ý: Đối với trẻ nhỏ, khi tiêm thuốc kháng sinh cho trẻ nên tránh việc tiêm qua đường bắp thịt vì làm trẻ đau và đặc biệt dễ gây xơ cứng cơ dẫn đến trẻ bị tàn tật.

4. Để tránh lạm dụng thuốc kháng sinh cho bé cha mẹ cần làm gì?

Để tránh tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh quá liều dùng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cơ thể trẻ, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Chỉ sử dụng kháng sinh khi cơ thể bị bệnh nhiễm khuẩn, tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp không hiểu rõ vì sao bác sĩ kê đơn kháng sinh cho bé, hãy hỏi kỹ để được giải đáp.
  • Dùng kháng sinh đúng liều, đúng cách. Tránh trường hợp uống kháng sinh chưa hết liều đã dừng lại.
  • Tùy theo loại bệnh và tình trạng bệnh mà thời gian dùng kháng sinh có khi dài khi ngắn, nhưng thông thường sẽ không dưới 5 ngày.

Trẻ càng dùng kháng sinh thường xuyên thì càng có nguy cơ kháng kháng sinh và những nguy cơ tiềm ẩn khác, vì thế hãy cân nhắc thật kỹ và chỉ nên cho trẻ uống kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.