Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Mang song thai – Những điều mẹ bầu cần biết để có thai kỳ khỏe mạnh

( VOH ) - Đối với phụ nữ, mang song thai là một điều may mắn nhưng đồng thời người mẹ cũng sẽ phải đối diện nhiều nguy cơ hơn hẳn những người bà mẹ mang đơn thai.

1. Mang song thai là gì?

Hầu hết các mẹ bầu khi mang thai chỉ có một em bé, nhưng với những bà bầu mang song thai thì lại có tới hai em bé trong bụng. Song thai được hình thành theo các cách khác nhau sẽ sinh ra những em bé khác nhau. Có 2 loại song thai là: song thai cùng trứng và song thai khác trứng.

1.1 Sinh đôi cùng trứng

Trứng sẽ được thụ tinh bằng một tinh trùng, sau đó tách ra thành 2 phôi thai. Khi trứng được chia thành 2 tế bào riêng biệt, sẽ tạo ra một cặp song sinh cùng giới tính, có ngoại hình gần như tương tự.

Do sở hữu bộ gen giống nhau nên các cặp sinh đôi cùng trứng thường không có nhiều khác biệt. Tuy vậy, nếu sống trong những môi trường khác nhau, họ cũng có thể sẽ không đồng nhất về tính cách và sở thích.

Song thai cùng trứng có thể chia sẻ cùng một túi ối hoặc một nhau thai.

mang-song-thai-nhung-dieu-me-bau-can-biet-de-co-thai-ky-khoe-manh-VOH

Mang song thai có thể cùng trứng hoặc khác trứng (Nguồn: Internet)

1.2 Sinh đôi khác trứng

Đối với song thai khác trứng, 2 trứng của người mẹ được phóng thích rụng vào buồng trứng và được thụ tinh bởi 2 tinh trùng riêng biệt.

Các cặp sinh đôi này có thể cùng giới hoặc khác giới tính. Nhìn bên ngoài có thể họ khác nhau nhưng sẽ giống nhau hơn các anh chị em bình thường.

2. Quá trình phát triển của cặp song thai trong bụng mẹ

2.1 Ba tháng đầu thai kỳ

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, các triệu chứng mang thai sẽ xuất hiện. Do hàm lượng của hormone thai kỳ tăng cao hơn bình thường nên những mẹ mang song thai sẽ có triệu chứng buồn nôn và nôn mửa cao hơn những mẹ mang đơn thai.

  • Ở tuần thứ 4, mẹ bầu đã nhận ra mình mang thai và cặp song thai đã có phôi thai. Hình thành ống thần kinh. Bộ não, xương sống, tủy sống sẽ hình thành. Trái tim của các bé cũng bắt đầu xuất hiện.
  • Cặp song thai 8 tuần, các bộ phận cơ thể đã phát triển nhanh chóng. Có thể đo được nhịp tim của bé. Bàn tay của hai bé uốn cong ở cổ tay và bàn chân xuất hiện màng.
  • Cặp song thai 12 tuần tuổi, các bộ phận của hai bé đều đã được hình thành khá đầy đủ. Ngoài ra, đến tuần thai này cơ thể mẹ bầu có thể tăng lên 2 – 4kg.

2.2 Ba tháng giữa thai kỳ

Trong 3 tháng tiếp theo, những mẹ bầu mang song thai sẽ cảm nhận rõ rệt hơn về những thay đổi trong cơ thể cũng như những chuyển động của bào thai.

  • Ở cặp song thai 16 tuần tuổi, các ngón tay và chân của bé được xác định rõ, chồi răng và xương trở nên cứng hơn. Đây là thời điểm mẹ có thể biết được giới tính của cặp song thai trong bụng mình qua phương pháp siêu âm.

mang-song-thai-nhung-dieu-me-bau-can-biet-de-co-thai-ky-khoe-manh-1-voh

Vào 3 tháng giữa thai kỳ mẹ đã có thể cảm nhận được những chuyển động của các con (Nguồn: Internet)

  • Tuần thứ 20, mẹ đã cảm nhận được những chuyển động của bé và trao đổi bằng cách nói chuyện cùng các con. Tóc của hai bé cũng xuất hiện và da phát triển một lớp phủ màu trắng gọi là chất vernix caseosa, có tác dụng bảo vệ làn da của bé khi tiếp xúc với môi trường nước ối.
  • Khi được 24 tuần tuổi da của bé có màu đỏ, những sợi lông mày nhỏ li ti cũng bắt đầu xuất hiện. Các bé đã có phản ứng với âm thanh bằng cách chuyển động hoặc đá, đạp trong bụng mẹ.

2.3 Ba tháng cuối thai kỳ

Ba tháng cuối kéo dài từ tuần 28 đến tuần 40 của thai kỳ. Ở giai đoạn này, kích thước tử cung tăng khá nhanh. Cặp song thai có xu hướng chiếm trọn ổ bụng của người mẹ. Những chuyển động của hai bé cũng mạnh hơn, đặc biệt là vào những tuần cuối.

  • Khi thai được 28 tuần, hai em bé sinh đôi trong bụng đã có thể mở và đóng mí mắt, có lông mi. Lớp mỡ được hình thành.
  • Vào tuần thứ 32, xuất hiện móng tay, móng chân ở các cặp song thai. Thậm chí một số bé đã có nhiều tóc trên đầu ở thời điểm này.
  • Có đến một nửa số cặp song thai sẽ được sinh ra trong khoảng tuần thứ 36. Đối với những cặp song sinh vẫn còn nằm trong bụng mẹ, phổi của các bé vẫn tiếp tục phát triển. Vài tuần cuối sẽ giúp bé xây dựng lớp mỡ và tăng thêm cân.

3. Những nguy cơ tiềm ẩn khi mang song thai

Đối với những phụ nữ mang song thai đi cùng niềm vui nhân đôi chính là nỗi lo lắng gấp đôi, bởi theo các bác sĩ chuyên khoa, khi mang song thai, đa thai sản phụ dễ bị sảy thai, nhất là 3 tháng đầu thai kỳ. Tỷ lệ dị tật cũng sẽ cao hơn so với mang đơn thai.

3.1 Nguy cơ đối với mẹ

Phụ nữ mang song thai sẽ gặp phải một số các vấn đề như:

  • Thai phụ có dấu hiệu phù chân, tay sớm hơn do tử cung chèn ép tuần hoàn chi dưới.
  • Thai phụ thường xuyên mệt mỏi, đi lại khó khăn, cảm thấy khó thở.
  • Nguy cơ sinh non cao, tỷ lệ thai chết lưu cao do mất cân bằng tuần hoàn giữ 2 thai. Ngoài ra, còn có thể gặp phải triệu chứng tiền sản giật.

mang-song-thai-nhung-dieu-me-bau-can-biet-de-co-thai-ky-khoe-manh-2-voh

Phụ nữ mang song thai thường có nguy cơ bị đa ối vào 3 tháng cuối thai kỳ (Nguồn: Internet)

  • Phụ nữ mang song thai thường bị đa ối (xảy ra vào 3 tháng cuối thai kỳ). Tình trạng nhau bám thấp cũng có thể xuất hiện do sự tăng bề mặt của bánh nhau, gây chảy máu âm đạo, ngôi thai bất thường...
  • Nguy cơ cao trong chuyển dạ như: đẻ khó do cơn co tử cung, đẻ khó thai thứ hai, 2 thai mắc nhau, sang chấn sản khoa, đờ tử cung sau đẻ...

3.2 Nguy cơ đối với thai nhi

Đối với em bé trong bụng cũng có thể gặp phải những mối nguy cơ như:

  • Song thai thường dẫn đến sự phát triển bất cân xứng và chênh lệch cân nặng giữa 2 thai. Nếu sự chênh lệch trên 25% sẽ dễ dẫn đến tình trạng gia tăng nguy cơ suy hô hấp, xuất huyết nội sọ, co giật, nhiễm khuẩn, viêm ruột hoại tử...
  • Mang song thai làm tăng khả năng thai dị dạng, chậm phát triển, dễ xảy ra tình trạng thai chết lưu, non tháng. Đặc biệt, trong song thai, xu hướng sinh thiếu tháng nhiều hơn sinh đủ tháng.
  • Mang thai đôi sẽ dễ mắc hội chứng thai truyền máu cho nhau, nếu không được phát hiện sớm sẽ dẫn đến tử vong cho 1 thai. Trường hợp sống sót nhưng không được điều trị sẽ có những thương tổn về thần kinh.

Việc mang song thai sẽ phần nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhưng những nguy cơ này có thể kiểm soát được nếu như thai phụ thăm khám thai định kỳ và theo dõi thường xuyên tại các cơ sở y tế.

Vì song thai dễ xảy ra tình trạng thai to, thai bé...nên 3 tháng cuối thai phụ nhất định phải được theo dõi chặt chẽ để có được sự tư vấn về cách dưỡng thai tốt nhất. Khi chuyển dạ, thai phụ nhất thiết phải đến những cơ sở y tế có khoa hồi sức cho trẻ sơ sinh. 

Điều quan trọng nhất đối với những mẹ bầu mang song thai là nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn, cho biết trước tất cả những nguy cơ, khó khăn để chuẩn bị về tâm lý, cũng như có được sự động viên, an ủi, giúp đỡ từ người thân.