Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Nanh sữa ở trẻ sơ sinh xử trí thế nào mới đúng?

(VOH) – Nanh sữa là một tổn thương lành tính, ít gây biến chứng và thường gặp nhiều ở trẻ sơ sinh. Vậy nanh sữa ở trẻ sơ sinh là gì và xử trí như thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ?

Nanh sữa ở trẻ sơ sinh không phải là hiện tượng hiếm gặp. Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ thậm chí là nhân viên y tế nào cũng có hiểu biết chính xác về nanh sữa và những ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe nếu như không được xử trí đúng cách.

1. Nanh sữa ở trẻ sơ sinh là gì?

Nanh sữa là tên thường gọi trong dân gian để chỉ một hay nhiều đốm nhỏ màu trắng trên lợi của trẻ sơ sinh. Cho đến hiện tại, vẫn còn rất nhiều người nhầm tưởng hiện tượng này do trẻ bị thiếu canxi hoặc là vết đóng cặn của sữa do không vệ sinh răng miệng cho trẻ tốt, thậm chí nhiều người còn cho rằng đây là dấu hiệu của một bệnh nguy hiểm nào đó.

Thực tế, nanh sữa ở trẻ sơ sinh chính là nang lợi của trẻ, có tên khoa học là Gingival Cyst of Newborn hay nang lá răng (Dental Lamina Cyst). Đây là một loại tổn thương lành tính hay gặp của niêm mạc miệng, xuất hiện trong một thời gian ngắn ở trẻ sơ sinh.

Bản chất của nanh sữa là một loại nang có vỏ mỏng, bên trong chứa đầy chất keratin. Đây là kết quả của quá trình thoái hóa biểu mô sừng hóa. Nanh sữa thường có màu trắng do các mảnh vụn tế bào trong quá trình hình thành răng sữa còn sót lại ở xương hàm. Nếu xuất hiện ở vòm miệng thì là do mảnh vụn của các tế bào tuyến nước bọt bị vùi kẹt dưới niêm mạc trong thời kỳ bào thai.

Chúng ta đều biết, răng sữa của trẻ thường mọc khi trẻ được 5 - 6 tháng tuổi, tuy nhiên mầm răng thì đã được hình thành trong xương từ lúc trẻ vẫn còn trong bụng mẹ và trong quá trình hình thành mầm răng một số thành phần tế bào (trong đó có biểu mô lá răng) tham gia tạo răng đáng lẽ phải tiêu biến, nhưng nếu chúng còn sót lại thì sẽ có thể tạo thành nang.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-0
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái

2. Biểu hiện trẻ mọc nanh sữa

Biểu hiện lâm sàng thường thấy là xuất hiện một hay nhiều nốt màu trắng hoặc vàng nhạt ở nông ngay dưới bề mặt niêm mạc lợi hàm trên và hàm dưới của trẻ. Kích thước mỗi nang thường khoảng 2 – 3mm, một số trường hợp có thể to đến 1cm nhưng rất hiếm gặp.

3. Mọc nanh sữa ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Nanh sữa thường xuất hiện ở trẻ trong giai đoạn từ 0 đến 3 tháng tuổi, một số trường hợp xuất hiện muộn hơn nhưng hiếm khi gặp trên 8 tháng tuổi.

Các bác sĩ cho biết có khoảng một nửa trường hợp xuất hiện nanh sữa ở trẻ mới sinh, tuy nhiên, thực tế có thể còn cao hơn do đây là một tổn thương lành tính, xuất hiện trong thời gian ngắn rồi tự biến mất, không gây đau đớn nên thường không được người lớn phát hiện.

Không chỉ mọc ở lợi, nanh sữa trẻ sơ sinh còn có thể thấy ở niêm mạc vòm miệng, nhưng cũng giống như ở lợi chúng sẽ thường sẽ tự vỡ và biết mất đi mà không để lại dấu vết gì.

nanh-sua-o-tre-so-sinh-xu-tri-the-nao-moi-dung-voh

Nanh sữa ở trẻ sơ sinh có thể tự tiêu biến sau 1 - 2 tuần (Nguồn: Internet)

Mặc dù nanh sữa không gây đau đớn hay khó chịu cho trẻ, nhưng cũng có những trường hợp bé quấy khóc, bỏ bú. Những trường hợp này là do nanh sữa bị nhiễm khuẩn gây sưng đau khi chạm phải.

Một số trường hợp nặng, nanh vẫn có màu trắng nhưng niêm mạc lợi xung quanh rìa đốm trắng có màu đỏ, sưng thì bé có thể bị sốt nhẹ, tại vị trí mọc nanh sữa có thể bị loét do sang chấn.

4. Cách xử lý nanh sữa ở trẻ sơ sinh

Khi trẻ đã được chẩn đoán bị nanh sữa, cha mẹ không nên quá lo lắng. Trước tiên, cần đánh giá xem nanh sữa có khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, sốt bỏ bú hay không. Nếu không có những dấu hiệu trên thì chỉ cần vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt và theo dõi vì nanh sữa sẽ tự biến mất sau 1 - 2 tuần. Nếu trẻ có dấu hiệu nhiễm khuẩn gây đau, khó chịu thì cần đưa bé đi khám để được chích nhể nanh.

Thủ thuật này rất đơn giản, tuy nhiên thao tác cần nhanh và chính xác để tránh tổn thương xung quanh gây chảy máu, làm trẻ đau thêm. Các bước thực hiện có thể là:

  • Đầu tiên bác sĩ sẽ bôi một chút thuốc tê để giảm đau cho trẻ.
  • Sau đó, sử dụng một dụng cụ nhọn làm rách vỏ, nang sẽ tự vỡ giải phóng ra chất màu trắng hoặc vàng nhạt.
  • Cuối cùng, không cần can thiệp gì thêm nữa, chỗ chích rạch sẽ tự liền sau 1 - 2 ngày.

Lưu ý: Việc chích nhể nanh sữa cho trẻ chỉ có vai trò giúp nanh nhanh tiêu biến chứ không có tác dụng dự phòng. Vì thế, nanh sữa có thể sẽ tái phát sau khi chích nhưng ở vị trí khác.

Trong dân gian cũng có một số mẹo vặt để chữa nanh sữa ở sơ sinh, tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng các bậc cha mẹ không nên tự ý chích nhể nanh sữa cho trẻ sơ sinh vì nếu không biết cách xử trí đúng có thể sẽ gây đau đớn và nhiễm khuẩn nặng hơn cho trẻ.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái