Chờ...

Tắm lá vối có tác dụng gì cho trẻ sơ sinh?

(VOH) – Dân gian thường hay truyền tai nhau những cách chăm sóc làn da trẻ sơ sinh bằng những loại thảo dược, trong đó có lá vối. Vậy sự thật tắm lá vối có tác dụng gì và có an toàn cho trẻ hay không?

Làn da trẻ sơ sinh vô cùng nhạy cảm, nhất là ở những vùng như cổ và mông, do đó, những vùng da này thường xuyên xuất hiện rôm sảy hay các bệnh ngoài da. Để khắc phục tình trạng này một số mẹ đã áp dụng phương pháp tắm lá vối cho trẻ sơ sinh.

1. Tắm nước lá vối có tác dụng gì với trẻ sơ sinh?

Trong dân gian, lá vối là nguyên liệu quen thuộc trong việc điều trị các bệnh lý về đường tiêu hóa, giúp làm tan mỡ máu hay hỗ trợ điều trị bệnh gout.

Ngoài ra, người ta còn sử dụng lá vối để điều trị các bệnh ngoài da như mề đay, mẩn ngứa, sưng tấy da, hăm tã... Chính vì tế, nhiều người cho rằng tắm lá vối cho trẻ sơ sinh là phương pháp thiên nhiên hiệu quả trong việc ngăn ngừa và điều trị ngứa, rôm sảy, hăm tả ở trẻ.

tam-la-voi-co-tac-dung-gi-voh-0
Tắm nước là vối là phương pháp dân gian giúp trị bệnh ngoài da ở trẻ (Nguồn: Internet)

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, lá vối và nụ vối có chứa kháng sinh tự nhiên giúp diệt vi khuẩn. Hơn nữa, thành phần tanin, tinh dầu trong lá vối cũng giúp kháng khuẩn, bảo vệ niêm mạc da tổn thương rất tốt. Tuy nhiên, việc tắm lá vối cho trẻ sơ sinh vẫn chỉ là kinh nghiệm dân gian, mẹ có thể áp dụng nhưng tuyệt đối phải nấu nước và tắm đúng cách để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.

Xem thêm: 8 sai lầm thường gặp của các mẹ khi tắm cho trẻ sơ sinh

Đặc biệt, phương pháp tắm lá vối cho trẻ sơ sinh chỉ nên áp dụng cho những trường hợp trẻ bị bệnh ngoài da mức độ nhẹ. Nếu làn da của bé bị tổn thương nghiêm trọng hoặc lở loét thì mẹ tuyệt đối không nên áp dụng. Tốt nhất là nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có phương pháp chăm sóc thích hợp.

2. Cách tắm lá vối cho trẻ sơ sinh

Cách tắm lá vối cho trẻ sơ sinh không quá phức tạp, mẹ có thể sử dụng lá vối tươi hoặc lá vối phơi khô nấu lấy nước. Tuy nhiên, nước lá vối tươi sẽ có tác dụng tốt hơn.

Các bước nấu nước lá vối tắm cho trẻ sơ sinh như sau:

  • Lá vối rửa thật sạch, rồi đem ngâm với nước muối để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn còn bám trên lá.
  • Cho lá vối vào nồi nấu với nước.
  • Tắm sạch cho bé bằng sữa tắm trước. Đồng thời, pha loãng nước lá vối với nước sạch, chờ cho nước nguội bớt, chỉ còn hơi ấm thì tắm cho bé.
  • Khi tắm lá vối cho bé, mẹ sử dụng khăn mềm nhúng vào nước lá vối rồi lau nhẹ ở các vùng hay bị hăm như mông, bẹn, háng… Lưu ý, không được chà xát quá mạnh. Cũng không cần thiết phải cho cả người bé vào nước lá vối.
  • Sau khi tắm nước lá vối cho trẻ sơ sinh xong thì mẹ tắm lại bằng nước ấm sạch và lau khô người bé.
tam-la-voi-co-tac-dung-gi-voh-1
Mẹ chỉ nên tắm lá vối cho trẻ 2 - 3 lần/tuần (Nguồn: Internet)

Mỗi tuần mẹ có thể tắm lá vối cho trẻ khoảng 2 – 3 lần là đủ. Tuyệt đối không lạm dụng số lần tắm vì có thể gây ra tác dụng ngược.

Xem thêm: Tắm cho trẻ sơ sinh bằng mướp đắng: Mẹ cẩn thận kẻo hại con!

3. Một số lưu ý cần nhớ khi tắm nước lá vối cho trẻ

Sử dụng nước lá vối tắm cho trẻ sinh là một trong những biện pháp dân gian nhằm cải thiện các tình trạng ngứa ngáy, khó chịu trên làn da của trẻ. Tuy nhiên, trong quá trình tắm nước lá vối cho trẻ, mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau để đảm bảo an toàn cho làn da bé:

  • Trước khi tắm nấu lá vối, luôn phải rửa kỹ bằng nước muối để làm sạch bụi bẩn, trứng côn trùng, lông tơ bám trên lá.
  • Không được sử dụng các loại lá có thuốc trừ sâu, chất kích thích và không rõ nguồn gốc.
  • Không nên nấu nước lá vối quá đậm đặc vì lượng tinh dầu nhiều có thể gây viêm da, dị ứng da cho trẻ.
  • Không thêm bất cứ nguyên liệu nào khác như chanh, muối vào nước tắm khiến làn da của trẻ dễ bị rát, ngứa.
  • Nước lá vối tắm cho trẻ cần giữ được độ ấm, không được để quá lạnh, gây co tắc lỗ chân lông, khiến làn da rôm sảy nhiều hơn.
  • Trẻ sau khi tắm lá vối, mẹ nên sử dụng phấn rôm để bôi vào bẹn hoặc đùi để giảm ngứa ngáy và dịu da cho trẻ.
  • Chỉ được tắm nước lá vối cho trẻ sơ sinh đã được rụng rốn.
  • Không cho trẻ tắm nước lá vối nếu làn da của trẻ bị mưng mủ, sưng tấy, viêm quá nặng, trầy xước.
  • Sau khi tắm nước lá xong, mẹ cần phải tắm sơ qua cho bé bằng nước ấm để rửa trôi lớp bột lá còn đọng bên ngoài da, tránh kích ứng, nhiễm khuẩn da.
  • Giữ vệ sinh làn da cho bé sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát để bé không bị rôm sảy.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ thường xuyên để tăng sức đề kháng và ngăn ngừa các vi khuẩn tấn công da của trẻ.

Tắm nước lá vối cho trẻ sơ sinh vốn chỉ là phương pháp dân gian, chưa được khoa học kiểm chứng và đưa vào áp dụng, do đó, tính an toàn và hiệu quả của phương pháp vẫn là vấn đề cần quan tâm. Làn da trẻ sơ sinh mỏng manh và nhạy cảm, vì thế tốt nhất các mẹ nên bảo vệ làn da của bé yêu bằng những phương pháp khoa học và an toàn nhất.