Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Tiểu đường thai kỳ có thật sự nguy hiểm không?

( VOH ) - Mang thai từ tuần thứ 24 trở đi, bạn có thể bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ do rối loạn nội tiết tố hoặc cơ thể bạn không thể tổng hợp được insulin.

1. Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ là bệnh thường gặp ở phụ nữ mang thai vào những tháng cuối thai kỳ, từ tháng thứ 6 trở đi. Bởi trong 3 tháng cuối, thai phát triển rất nhanh nên nhu cầu về cung cấp năng lượng của người mẹ cũng cần phải tăng cao hơn. Chính vì vậy, nhu cầu insulin tăng hơn gấp 3 – 4 lần so với bình thường để đưa đường từ máu vào tế bào, dẫn đến thiếu insulin tương đối, từ đó hình thành bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, khi mang thai cơ thể người mẹ cũng sinh ra một số nội tiết tố có tác dụng đề kháng insulin.

tieu-duong-thai-ky-co-that-su-nguy-hiem-khong-voh-1

Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không? (Nguồn: Internet)

2. Ai dễ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ?

Nếu nằm trong nhóm dưới đây bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao:

  • Mang thai khi đã ngoài 30 tuổi.
  • Gia đình có người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
  • Bạn bị thừa cân, béo phì trước và trong khi mang thai.
  • Bạn từng mắc phải bệnh tiểu đường ở những lần mang thai trước.

3. Dấu hiệu nhận biết tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ thường diễn ra âm thầm, chỉ đến khi mẹ bầu đi khám thai định kỳ và bác sĩ cho mẹ làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ mới biết mình có mắc bệnh hay không. Tuy nhiên, các mẹ bầu cũng có thể nhận biết căn bệnh này qua những biểu hiện sau đây:

  • Khát nước thường xuyên, hay thức giấc giữa đêm để uống nước.
  • Đi tiểu nhiều lần và lượng nước tiểu cũng nhiều hơn bình thường.
  • Nếu chẳng may bị trầy xước, vết thương sẽ rất lâu lành.
  • Vùng kín bị nhiễm nấm, dùng các thuốc trị nấm thông thường nhưng không hết.
  • Sụt cân, mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống.

4. Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?

Nếu bệnh tiểu đường thai kỳ được kiểm soát và giám sát bởi người bệnh và bác sĩ thì rủi ro sẽ giảm đi rất nhiều. Mục đích chính trong việc điều trị bệnh tiểu đường là giảm lượng đường huyết trong máu đến mức bình thường và sản sinh lượng insulin phù hợp so với nhu cầu cần thiết của từng bệnh nhân.

Mẹ bầu cũng không phải quá lo lắng về bệnh tiểu đường thai kỳ, bởi khoảng 90% mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có thể kiểm soát căn bệnh này nhờ chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với những bài tập thể dục hợp lý, bệnh sẽ biến mất sau khi sinh.

5. Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?

Việc thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học kết hợp với vận động hợp lý khi mang thai sẽ giúp mẹ bầu kiểm sát bệnh tiểu đường thai kỳ dễ dàng mà không phải dùng đến thuốc.

Theo đó, mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ nên bổ sung nhóm thực phẩm dưới đây:

5.1 Thực phẩm có chứa crom

Loại khoáng chất này đã được chứng minh có thể giúp cải thiện việc dung nạp glucose trong bệnh tiểu đường thai kỳ. Do đó, mẹ bầu hãy luôn bổ sung thức ăn có chứa crom trong chế độ ăn uống hàng ngày của mình. Các mẹ có thể tìm thấy khoáng chất này trong các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, rau bina, cà rốt và thịt gà.

Lưu ý: Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn muốn uống thuốc bổ sung crom.

5.2 Thức ăn chứa ít chất béo

Tất cả mọi người đều cần chất béo thông qua chế độ ăn uống, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, chế độ ăn chứa nhiều chất béo có thể không hoàn toàn tốt cho sức khỏe. Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên tập trung ăn các thực phẩm chứa chất béo lành mạnh từ các loại hạt hoặc bổ sung chất béo từ dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu hoa hướng dương, dầu ô liu

5.3 Ăn nhiều chất xơ

Đa số những thực phẩm có nhiều chất xơ đều có lượng carbonhydrate thấp. Ngoài ra, chất xơ cũng giúp hệ tiêu hóa của mẹ hoạt động tốt hơn, hạn chế những triệu chứng tiêu hóa khó chịu thường xảy ra trong thai kỳ.

Lưu ý: Khi bổ sung chất xơ từ rau củ quả, mẹ bầu nên nấu chín trước khi ăn.

6. Tiểu đường thai kỳ kiêng ăn gì?

Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu nên cân nhắc khi đưa nhóm thực phẩm dưới đây vào thực đơn:

tieu-duong-thai-ky-co-that-su-nguy-hiem-khong-voh-2

Chế độ ăn uống cho mẹ bầu bị tiểu đường phải như thế nào? (Nguồn: Internet)

6.1 Thực phẩm giàu tinh bột và đường

Để giữ nồng độ đường trong máu không tăng quá cao, mẹ bầu cần phải tránh xa các thực phẩm có khả năng làm tăng lượng đường như đường, mật ong, đường nâu, si-rô, tinh bột… Nguyên nhân là những thực phẩm này sẽ phá vỡ sự cân bằng đường huyết do insulin trong cơ thể, không thể chuyển hóa hết lượng đường nạp vào.

Các mẹ có thể ăn thức ăn có chứa một lượng đường vừa phải, nhưng hãy cố gắng tránh xa các thức ăn chứa hàm lượng đường cao hơn tiêu chuẩn như bánh nướng, bánh ngọt, kem, kẹo và nước ngọt,…

6.2 Kiêng uống nước ép trái cây

Ngay cả đường tự nhiên trong trái cây cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu, vì vậy mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cần hạn chế uống nước ép trái cây nguyên chất.

Nước ép cà chua cũng là một lựa chọn tốt vì loại nước này chứa hàm lượng đường thấp. Mẹ cũng có thể ăn trái cây tươi nhưng chọn loại ít ngọt, chứa nhiều chất xơ để giúp làm chậm sự hấp thu đường vào máu.

6.3 Kiêng đồ tinh chế

Mẹ bầu nên chọn các loại thức ăn chứa tinh bột không tinh chế. Nếu ăn quá nhiều tinh bột tinh chế như khoai tây nghiền, bánh mì trắng,… chúng sẽ nhanh chóng chuyển thành đường, làm gia tăng đường huyết trong máu.

Bên cạnh việc nên và không nên ăn những thực phẩm trên, mẹ bầu bị tiểu đường cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học như ăn sáng đủ chất, chia nhỏ bữa ăn hàng ngày, không bỏ bữa,…để kiểm soát bệnh tiểu đường thai kỳ tốt hơn.

7. Giải đáp một số thắc mắc về bệnh tiểu đường thai kỳ

7.1 Tiểu đường thai kỳ có được uống sữa bầu?

Mẹ bầu cần thăm khám để biết được mức độ tiểu đường cao hay thấp và có được uống sữa bầu hay không. Mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ về vấn đề này để có câu trả lời phù hợp.

Thông thường, sữa cho mẹ bầu bị tiểu đường là các loại sữa không làm tăng đường huyết quá mức. Cụ thể là sữa không đường và quan trọng hơn là hàm lượng carbohydrate trong sữa phải thấp. Do đó, khi chọn sữa mẹ nên đọc kỹ thông tin về thành phần dinh dưỡng trên bao bì.

7.2 Tiểu đường thai kỳ ăn khoai lang được không?

Nếu biết ăn đúng cách, khoai lang vẫn rất tốt cho thai kỳ, thậm chí còn có tác dụng kiểm soát và ngăn ngừa lượng đường huyết:

  • Nên ăn khoai nướng thay vì ăn khoai luộc hay hấp.
  • Nên ăn vào buổi trưa vì sau khi ăn, canxi bên trong khoai lang cần 4 giờ sau mới hấp thụ vào cơ thể.
  • Ăn khoai lang vừa phải, theo chỉ dẫn của bác sĩ.

7.3 Bị tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không?

Bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ khiến thai to làm gia tăng khả năng phải sinh mổ bắt con. Trẻ sinh ra thường rất nặng cân, có bé trên 4kg.

Nếu chế độ ăn uống của mẹ được kiểm soát tốt, thai nhi phát triển bình thường sẽ không ảnh hưởng đến việc sinh đẻ tự nhiên. Thực tế là việc sinh mổ hay sinh thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố và bác sĩ có thể dự đoán được trong thai kỳ. Việc sinh mổ không hẳn là xấu vì trong một số trường hợp, sinh mổ giúp cả mẹ và con được an toàn hơn.

7.4 Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Tiểu đường thai kỳ nếu không được phát hiện và kiểm soát tốt có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Đối với mẹ bầu, có nguy cơ sẩy thai, mắc tiền sản giật, nhiễm trùng, băng huyết sau sinh, có nguy cơ phải mổ bắt con do thai to…

Các nguy cơ có thể xảy ra đối với bé là tử vong hoặc bị dị tật, chậm phát triển, thai to dễ bị sang chấn như gãy xương đòn, trật khớp vai, dễ suy hô hấp, hạ đường huyết khi sinh do nồng độ insulin cao, bị vàng da và mắt…

Trên đây là một số thông tin cần biết về tiểu đường thai kỳ, hy vọng sẽ giúp các mẹ giải đáp được một số thắc mắc đang băn khoăn. Nhìn chung, tiểu đường thai kỳ vẫn không quá nguy hiểm nếu được phát hiện và kiểm soát tốt bởi chế độ ăn uống và sự theo dõi của bác sĩ trong suốt quá trình mang thai.