Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

10 cách dạy trẻ bướng bỉnh không cần quát mắng

(VOH) – Sẽ có một vài đứa trẻ thường hành động trái ý và không chịu nghe lời cha mẹ, đó là những đứa trẻ bướng bỉnh và để dạy trẻ bướng bỉnh, cha mẹ cần biết cách.

Có rất nhiều bậc phụ huynh cảm thấy mệt mỏi và phiền não khi những đứa con của họ luôn tỏ ra chống đối, bướng bỉnh và không chịu nghe lời. Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ bướng bỉnh nếu cha mẹ phản ứng mà không suy nghĩ thì chỉ khiến thái độ của con càng thêm tiêu cực.

1. Tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ bướng bỉnh

Không phải đứa trẻ nào cũng cứng đầu, ngang ngạnh vì thế bạn cần phải hiểu được lý do vì sao con lại bướng bỉnh như thế để từ đó có thể lựa chọn phương pháp dạy con tốt hơn.

Một số nguyên nhân thường khiến cho trẻ dễ trở nên bướng bỉnh hơn chính là:

  • Nuông chiều quá mức: Việc nuông chiều quá mức của cha mẹ có thể khiến trẻ tạo thành thói quen ‘muốn là được’. Nên một khi những yêu cầu của bé không được đáp ứng, bé sẽ rất khó chấp nhận và sẽ có những hành động phản kháng, ăn vạ để đạt được mục đích.
  • Mâu thuẫn trong cách dạy: Mâu thuẫn có thể xảy ra trong phương pháp dạy con giữa cha với mẹ hoặc giữa cha mẹ với ông bà khiến trẻ hoang mang không biết nghe theo ai. Nhưng sau khi đã quen với điều đó trẻ sẽ lợi dụng điểm khác biệt này để đòi hỏi những điều có lợi cho mình, làm nũng và bướng bỉnh hơn.
  • Cha mẹ gia trưởng, gây áp lực cho con: Khi cha mẹ có những đòi hỏi vượt quá khả năng của trẻ, trẻ sẽ không thể được hiện được. Hoặc cha mẹ sử dụng đòn roi, đay nghiến hay ép buộc trẻ thái quá cũng có thể khiến bé bất mãn và phản kháng lại.
  • Cha mẹ không làm gương: Trẻ nhỏ thường thích bắt chước hành vi của người lớn và chưa phân biệt được đúng – sai. Vì vậy, cha mẹ sẽ khó có thể đòi hỏi con ngoan ngoãn, lễ phép trong khi bản thân lại có những hành vi cư xử chưa đúng.
  • Trẻ bị tác động từ môi trường xung quanh: Môi trường sống, học tập sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của trẻ cũng như phát triển về mặt tư duy và cách ứng xử.

2. Cách dạy trẻ bướng bỉnh cha mẹ nên nằm lòng

Đối với những đứa trẻ bướng bỉnh, việc bắt con nhất nhất nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ có thể sẽ gây phản tác dụng. Vì thế, cha mẹ nên nhớ kiên nhẫn và bình tĩnh sẽ là chìa khóa tốt nhất để đối phó với những bé bướng bỉnh, cứng đầu.

cach-day-tre-buong-binh-khong-can-quat-mang-voh

Bắt trẻ bướng bỉnh nghe theo sự sắp đặt của mình có thể sẽ gây phản tác dụng (Nguồn: Internet)

2.1 Lắng nghe và đừng tranh cãi với bé

Giao tiếp với trẻ giống như ‘đường hai chiều’. Nếu muốn con lắng nghe mình, trước tiên, bạn phải biết lắng nghe bé. Những đứa trẻ bướng bỉnh thường có ý kiến cá nhân để tranh cãi lại cha mẹ và sẽ cảm thấy khó chịu khi không được lắng nghe. Khi đó, trẻ sẽ nhất quyết làm hay không làm điều gì đó.

Lúc này, bạn hãy lắng nghe bé và nói chuyện về những điều làm bé khó chịu. Tốt nhất là hãy ở bên cạnh và bình tĩnh nói chuyện với bé.

2.2 Trò chuyện và đừng ép buộc trẻ quá nhiều

Khi bạn bắt buộc một đứa trẻ bướng bỉnh làm theo ý mình, chúng thường có xu hướng nổi loạn và làm điều ngược lại. Hành vi phản kháng theo bản năng này là biểu hiện phổ biến thường gặp nhất.

Ví dụ, việc ép một đứa bé đi ngủ ngay trong khi bé đang xem chương trình mà bé yêu thích sẽ không mang lại lợi ích gì cả. Thay vào đó, cha mẹ có thể ngồi xem với bé và thể hiện sự quan tâm của bạn đến những gì mà bé đang xem. Khi bạn thể hiện sự quan tâm, bé sẽ nhận biết và có sự tương tác lại. Việc tạo một mối liên hệ thân thiết giữa cha mẹ và con là cách tốt nhất để dạy dỗ trẻ ương ngạnh.

2.3 Cho bé nhiều sự lựa chọn

Trẻ nhỏ cũng có tâm tư, nhu cầu và sở thích riêng vì thế bố mẹ đừng cố bắt ép các bé làm những điều mà bé không muốn. Chẳng hạn, nếu bạn bảo con đi ngủ lúc 9 giờ tối nhưng trẻ không đồng ý thì bạn có thể cho bé nhiều sự lựa chọn.

Thay vì kêu bé đi ngủ ngay lập tức, bạn hãy hỏi bé có muốn đọc truyện A hay B khi đến giờ ngủ không? Có thể bé sẽ tiếp tục từ chối, thế nhưng bạn đừng nóng mà phải nên bình tĩnh nhắc nhở bé nhiều lần, càng bình tĩnh càng tốt đến khi bé chịu đi ngủ mới thôi.

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp cho nhiều ý kiến cũng không tốt. Ví dụ, khi bạn yêu cầu bé lựa chọn trang phục trong tủ quần áo, có thể bé sẽ bị rối. Để tránh vấn đề này, bạn có thể giảm thiểu sự lựa chọn còn từ 2 – 3 bộ quần áo và cho con chọn.

2.4 Giữ bình tĩnh

Việc la hét trẻ sẽ biến một cuộc nói chuyện bình thường thành cuộc chiến. Điều này chỉ làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Do đó, bạn cần chú ý cách nói chuyện và đừng quên cư xử với trẻ như một người lớn. Ngoài ra, bạn cũng nên giải thích rõ để bé hiểu mình cần làm gì và cư xử thế nào.

Tuyệt đối không nên nổi nóng, đánh mắng con, bởi như thế sẽ chỉ càng khiến cho bé có thêm ác cảm với cha mẹ và trở nên bướng bỉnh hơn.

2.5 Tôn trọng trẻ

Muốn bé tôn trọng bạn và quyết định của bạn, bạn cần phải tôn trọng bé. Con sẽ không chấp nhận bất cứ quy định nào nếu bạn cứ ép chúng. Dưới đây là một số cách mà bạn có thể áp dụng để mối quan hệ cả 2 trở nên tốt đẹp:

  • Giữa bạn và bé phải có sự hợp tác, đừng cố ép bé làm theo lời mình.
  • Cần có những quy tắc nhất định cho bé và phải thực hiện quy tắc đó nghiêm túc.

cach-day-tre-buong-binh-khong-can-quat-mang-1-voh

Cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn đến những cảm xúc của con (Nguồn: Internet)

  • Không thờ ơ trước những ý tưởng hay cảm xúc của bé.
  • Cho con làm điều mà mình muốn, bởi điều này cho thấy bạn đang tin tưởng bé.
  • Chia sẻ những điều bạn muốn và phải thực hiện được những gì bạn đã hứa với con.

2.6 Tương tác với con

Trẻ bướng bỉnh thường rất nhạy cảm với cách cư xử của bố mẹ. Do đó, hãy chú ý giọng nói, ngôn ngữ hình thể và từ ngữ mà bạn sử dụng với chúng. Việc thay đổi cách tiếp xúc với trẻ sẽ làm thay đổi cách trẻ tương tác với bạn.

Bạn có thể sử dụng những câu như ‘con có thể làm…’ thay vì ‘mẹ muốn con làm…’. Cùng chơi bất cứ trò nào với con, ví dụ như lắp ráp, đánh cờ, thi vặn rubik nhanh.... Đây là một mẹo giúp bạn gần gũi và trở nên thân thiết với con hơn.

2.7 Thương lượng với con

Đôi khi bố mẹ cần phải thương lượng với con. Đàm phán không nhất thiết là bạn luôn đáp ứng mọi nhu cầu của bé mà là bạn cân nhắc về vấn đề đang xảy ra với bé. Ví dụ, khi bé không sẵn sàng ngủ ở khung giờ định sẵn. Thay vì bắt con ngủ vào giờ đó bằng mọi cách, bạn có thể thỏa thuận giờ ngủ phù hợp hơn để tạo sự thoải mái cho cả hai bên.

2.8 Tạo môi trường thoải mái ở nhà

Trẻ con thường học thông qua việc quan sát và trải nghiệm. Nếu thấy cha mẹ cãi nhau, chúng cũng sẽ bắt chước và làm như vậy. Sự bất hòa giữa bố mẹ có thể khiến bé căng thẳng, ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi của trẻ.

2.9 Hiểu được quan điểm của trẻ

Để hiểu rõ hơn về những hành động của bé, cha mẹ nên đặt mình vào tình huống của con, sẽ giúp bạn càng hiểu rõ quan điểm của trẻ và biết được tại sao bé bướng bỉnh.

2.10 Động viên và khen ngợi con khi cần thiết

Muốn thay đổi một đứa trẻ bướng bỉnh, cha mẹ cần động viên và khen ngợi con khi chúng cố gắng thực hiện những việc tốt, cho dù đó là việc nhỏ nhặt. Đừng gay gắt khi con làm sai điều gì đó mà hãy từ từ phân tích cho con hiểu.

Khuyến khích các hành vi tích cực sẽ làm cho các bé hiểu rằng đó là cách tốt để có được sự chú ý hoặc lời khen ngợi từ người khác. Bố mẹ cũng có thể tặng cho các con phần thưởng nhỏ để bé thêm hào hứng hơn.

Mọi đứa trẻ sinh ra đều như một tờ giấy trắng, vì thế cha mẹ hãy học cách dạy con để bé trở thành một đứa bé ngoan ngoãn, biết nghe lời và hiểu chuyện ngay từ nhỏ.