Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Trẻ dậy thì muộn: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

(VOH) – Dậy thì là một giai đoạn quan trọng đánh dấu sự phát triển hoàn thiện của một cơ thể. Thế nhưng, một số bé lại gặp phải trường hợp dậy thì muộn và đây là vấn đề mà các bậc cha mẹ cần quan tâm.

Tuổi dậy thì là lúc cơ thể phát triển từ một đứa trẻ thành người lớn. Tuổi dậy thì thường diễn ra trong nhiều năm và độ tuổi nó bắt đầu cũng như kết thúc sẽ khác nhau ở mỗi người.

1. Như thế nào được gọi là dậy thì muộn?

Dậy thì muộn hay còn gọi là chậm dậy thì, là tình trạng tuổi dậy thì không bắt đầu vào thời điểm thông thường.

Bình thường, tuổi dậy thì ở trẻ thường bắt đầu trong độ tuổi từ 7 đến 13 đối với nữ và trong độ tuổi từ 9 đến 15 đối với nam. Lúc này, tuyến sinh dục của trẻ bắt đầu tăng cường sản xuất các hormone sinh dục (testosterone ở bé trai và estrogen ở bé gái) dưới sự tác động của vùng dưới đồi và tuyến yên. Các hormone sinh dục này sẽ làm các đặc trưng giới tính của trẻ phát triển, chẳng hạn như ngực và buồng trứng ở bé gái, cơ bắp và tinh hoàn ở bé trai.

tre-day-thi-muon-nguyen-nhan-va-dau-hieu-nhan-biet-voh

Dậy thì muộn ở trẻ em được hiểu như thế nào? (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, với những trường hợp trẻ dậy thì muộn thì độ tuổi dậy thì của trẻ không bắt đầu giống các mốc thời gian trên. Cụ thể, những bé gái trên 13 – 14 tuổi và các bé trai 15 – 16 tuổi vẫn chưa xuất hiện các dấu hiệu của tuổi dậy thì.

2. Dấu hiệu và triệu chứng dậy thì muộn ở nam và nữ

Dấu hiệu của tuổi dậy thì rất dễ nhận ra vì đó là những thay đổi lớn trên cơ thể, cụ thể:

  • Ở nam giới: Trẻ sẽ cao hơn, nặng cân hơn, vai mở rộng và cơ bắp bắt đầu phát triển, thanh quản (cơ quan phát âm) to rộng ra hơn nên tiếng nói trở nên trầm đục, hệ thống lông phát triển, có ria mép và mọc râu. Đồng thời, tinh hoàn và dương vật sẽ lớn hơn, đặc biệt có hiện tượng phóng tinh lần đầu.
  • Ở nữ giới: Ngực và lông vùng kín sẽ phát triển, sau đó có kinh nguyệt, hông sẽ rộng ra và bắt đầu xuất hiện đường cong, chiều cao và cân nặng tăng lên nhanh chóng, tính tình trở nên nhẹ nhàng và kín đáo hơn.

Thông qua các dấu hiệu trẻ dậy thì, cha mẹ sẽ có thể nhận ra con của mình có đang bị dậy thì muộn hay không. Các biểu hiện giúp nhận dạng là:

  • Ở nam giới: Tinh hoàn không phát triển to hơn khi ở độ tuổi 14 hoặc giai đoạn tăng trưởng sinh dục bị trì hoãn hơn 5 năm.
  • Ở nữ giới: Ngực không phát triển vào độ tuổi 13, chu kỳ kinh nguyệt không bắt đầu khi trẻ đã được 16 tuổi.

3. Tại sao trẻ em dậy thì muộn?

Dậy thì muộn ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu xuất phát từ các yếu tố như: di truyền, bệnh mạn tính, vấn đề về tuyến yên, tuyến giáp, chế độ dinh dưỡng... Một số nguyên nhân thường gặp như:

  • Do gen di truyền: Nếu trong gia đình có người từng bị dậy thì chậm thì trẻ cũng có thể bị dậy thì chậm. Tuy nhiên, với trường hợp này cha mẹ không cần phải can thiệp nhiều, bởi trẻ vẫn sẽ phát triển mà không ảnh hưởng đến quá trình phát triển chung của cơ thể cũng như khả năng sinh sản.

tre-day-thi-muon-nguyen-nhan-va-dau-hieu-nhan-biet-1-voh

Yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng dậy thì muộn ở trẻ (Nguồn: Internet)

  • Tuyến yên hoặc tuyến giáp – các tuyến sản xuất hormone quan trong gặp vấn đề.
  • Có nhiễm sắc thể bất thường như hội chứng Turner (xảy ra ở nữ) hoặc hội chứng Klinefelter (xảy ra ở nam) đều có thể làm chậm phát triển giới tính, cũng như gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác.
  • Các bệnh mạn tính: Những trẻ không may bị mắc bệnh đái tháo đường, bệnh thận hoặc hen suyễn có thể sẽ làm chậm quá trình phát triển của cơ thể, thậm chí là không phát triển về giới tính.
  • Chế độ dinh dưỡng: Trẻ bị suy dinh dưỡng có thể sẽ dậy thì muộn hơn những bé có một chế độ ăn uống cân bằng đủ chất. Đặc biệt, dậy thì muộn thường rất hay xảy ra ở những người không ăn đủ bữa, biếng ăn, rối loạn ăn uống...

4. Điều trị dậy thì muộn ở trẻ em bằng cách nào?

Việc điều trị dậy thì muộn sẽ phù thuộc vào nguyên nhân. Trẻ em mắc chứng dậy thì muộn do thể trạng có thể không cần điều trị vì trẻ chỉ cần thêm thời gian để phát triển.

Nếu nguyên nhân gây dậy thì muộn là do tình trạng mất cân bằng nội tiết tố hay do một căn bệnh nào đó, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng các liệu pháp hormone ngắn hạn để giúp trẻ phát triển. Cụ thể:

  • Ở bé trai: Bác sĩ có thể bổ sung hormone testosterone bằng cách tiêm trực tiếp hoặc dùng miếng dán và gel bôi.
  • Ở bé gái: Bác sĩ sẽ bổ sung hormone estrogen hoặc progesterone bằng thuốc hoặc gel bôi.

4.1 Một số kỹ thuật giúp nhận biết dậy thì muộn ở trẻ em 

  • Xét nghiệm máu: Dùng để đo lường mức độ hormone trong máu.
  • Phân tích nhiễm sắc thể: Phân tích nhiễm sắc thể giúp loại bỏ các rối loạn hiếm gặp.
  • Chụp X-quang: Giúp kiểm tra xem trẻ có phát triển chậm hơn bình thường không.
  • Chụp cắt lớp (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) não để kiểm tra hoạt động của tuyến yên.
  • Siêu âm để kiểm tra buồng trứng và tử cung có phát triển bình thường không.

Nhìn chung, phần lớn các trường hợp trẻ dậy thì muộn không gây nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể nhưng có thể làm ảnh hưởng tâm lý. Chính vì thế, cha mẹ cần giúp trẻ giữ bình tĩnh và đón nhận chuyện này một cách tự nhiên. Nếu không thể giải quyết những khúc mắc trong lòng trẻ, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ tâm lý để có được lời khuyên phù hợp.