Tuy nhiên, đôi khi trẻ ho kéo dài lại là một quá trình nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, nhận biết nguyên nhân gây ho để chăm sóc đúng cách là vô cùng quan trọng.
Nguyên nhân làm trẻ ho kéo dài
Ho kéo dài do nhiều nguyên nhân khác nhau, không chỉ do phổi mà còn có thể do những bệnh ngoài phổi như viêm mũi xoang, viêm tai, trào ngược dạ dày - thực quản, bệnh tim mạch, ho do thuốc, thậm chí do tâm lý... Trong đó cần đặc biệt lưu ý đến bệnh lao và hen suyễn.

Ho và cách nhận biết nguyên nhân
- Nếu trẻ ho có đờm thì nhiều khả năng có nguyên nhân ho dị ứng, hen…
- Nếu trẻ ho có cơn đỏ mặt thì nguyên nhân thường do ho gà, dị vật đường thở, ho do vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma, Chlamydia….
- Nếu trẻ ho về đêm thường do các nguyên nhân viêm mũi xoang, hen…
- Nếu trẻ ho sau khi bú, sau khi ăn, ho khi nằm thường do các nguyên nhân của trào ngược dạ dày - thực quản.
- Nếu trẻ ho sau vận động - gắng sức ví dụ như nô đùa, chạy nhảy, leo cầu thang… thì ho do nguyên nhân bệnh hen.
- Nếu trẻ chỉ ho lúc thức mà không bao giờ ho lúc ngủ rất nhiều khả năng nguyên nhân gây ho do tâm lý.
Cách chăm sóc trẻ bị ho kéo dài
Ho kéo dài ở trẻ em có thể là triệu chứng cảnh báo nhiều bệnh lý khác nhau. Vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu ho trên 1 tuần không khỏi, cha mẹ nên đưa bé đi khám. Qua thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng sức khỏe của trẻ và đề xuất phương án điều trị phù hợp.
Trong trường hợp trẻ bị ho kéo dài, cha mẹ có thể thực hiện theo những hướng dẫn sau:
- Cho trẻ uống nhiều nước để làm dịu họng, giảm ho, làm loãng đờm hiệu quả.
- Vệ sinh mũi họng hàng ngày cho trẻ. Có thể vệ sinh bằng nước muối ngày từ 2 đến 3 lần.
- Cho trẻ sử dụng một số thảo dược, bài thuốc trị ho dân gian an toàn như tắc chưng đường, mật ong, gừng, uống nước trà ấm loãng,...
- Chỉ sử dụng thuốc ho khi trẻ bị ho quá nhiều hoặc gây ra hậu quả xấu như bé bị đau ngực, mất ngủ, nôn ói,...
- Nếu cần dùng thuốc ho cho trẻ, phụ huynh cần cho trẻ đi khám và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc ho:
- Chỉ nên dùng thuốc ho phù hợp với lứa tuổi và tính chất cơn ho của trẻ.
- Không tự ý cho trẻ dùng các loại thuốc ho dành cho người lớn để tránh tác dụng phụ.
- Khi trẻ ho có đờm không nên dùng các loại thuốc ức chế ho (có chứa thường chứa antihistamine hay dextromethorphan) mà nên dùng thuốc long đờm để trị ho hiệu quả.
- Các loại thuốc ho chứa (dexchlorpheniramine, chlorpheniramine, alimemazin,...) chỉ nên sử dụng cho trẻ bị ho khan kéo dài và đúng chỉ định về lứa tuổi.

Cha mẹ cần theo dõi sức khỏe của trẻ, đưa trẻ đi khám theo lịch hẹn của bác sĩ để điều trị ho kéo dài ở trẻ em nhanh chóng, hiệu quả, tránh được những biến chứng khó lường.
Khi trẻ bị ho, cha mẹ không nên quá lo lắng mà cần tìm hiểu nguyên nhân gây ho của trẻ để chăm sóc cho trẻ hiệu quả. Nhiều khi trẻ chỉ đơn thuần là ho gió, ho cảm chút xíu thì không sao, có thể để cho trẻ ho vì ho này chỉ là bộc phát, sẽ rất nhanh khỏi.
Trong trường hợp trẻ bị ho không đỡ ngày một nặng, ho kèm theo các biểu hiện bất thường… phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được khám và điều trị.