Vacxin uốn ván - Lịch tiêm phòng cho từng độ tuổi và đối tượng

(VOH) - Uốn ván là một bệnh cấp tính, diễn biến khó lường trước được, điều trị phức tạp, tỉ lệ tử vong cao. Bệnh không gây miễn dịch nên khi khỏi bệnh vẫn phải tiêm vacxin uốn ván để tránh tái phát.

Uốn ván là một tình trạng nhiễm trùng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, cứ 10 người mắc thì sẽ có 2 người tử vong. 

Vi khuẩn uốn ván thường được tìm thấy trong đất và phân, xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hoặc vết cắt trên da. 

Triệu chứng lâm sàng là một trạng thái co cứng cơ liên tục và có những cơn giật cứng. Khởi đầu là co cứng cơ nhai, sau lan ra các cơ mặt, thân mình và tứ chi. Các triệu chứng khác của bệnh uốn ván có thể bao gồm: đau đầu, sốt và đổ mồ hôi, cứng cơ, động kinh, huyết áp cao và nhịp tim nhanh.

vacxin-uon-van-lich-tiem-phong-cho-tung-do-tuoi-va-doi-tuong-voh-1
Vi khuẩn uốn ván xâm nhập qua vết thương trên da (Nguồn: Internet)

Hiện tại, không có thuốc đặc trị để chữa khỏi bệnh. Tiêm vacxin là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh uốn ván.

1. Các loại vacxin uốn ván

Các loại vacxin uốn ván được tạo thành từ độc tố vi khuẩn đã được giảm độc lực nhưng vẫn có khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch. Những vacxin này không chứa vi khuẩn sống.

Có 4 loại vacxin uốn ván thường được sử dụng nhất, tất cả đều là vacxin kết hợp.

  • Vacxin DTaP: Phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà.
  • Vacxin DT: Phòng bệnh bạch hầu và uốn ván.
  • Vacxin Tdap: Phòng bệnh uốn ván, bạch hầu và ho gà.
  • Vacxin Td: Phòng bệnh uốn ván và bệnh bạch hầu.

DTaP và DT sử dụng cho trẻ em dưới 7 tuổi, còn Tdap và Td dùng cho trẻ lớn và người lớn.

Xem thêm: Tiêm phòng bệnh bạch hầu cho người thân và gia đình trước khi quá muộn 

2. Những người cần tiêm vacxin uốn ván

Tất cả mọi người đều cần phải tiêm phòng uốn ván từ trẻ sơ sinh, trẻ em đến người lớn.

2.1 Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 6 tuổi

Trẻ nhỏ cần tiêm phòng DTaP như một phần của lịch tiêm chủng thường quy. Có 5 liều DTap mà trẻ dưới 6 tuổi cần tiêm vào lúc:

  • 2 tháng tuổi
  • 4 tháng tuổi
  • 6 tháng tuổi
  • 15 đến 18 tháng tuổi
  • 4 đến 6 tuổi

Nếu trẻ có phản ứng nghiêm trọng với thành phần vacxin ho gà của DTaP, bác sĩ có thể cho tiêm vacxin DT để thay thế.

vacxin-uon-van-lich-tiem-phong-cho-tung-do-tuoi-va-doi-tuong-voh-2
Trẻ em cần được tiêm vacxin uốn ván (Nguồn: Internet)

Trường hợp không tiêm DTaP mà chọn tiêm vacxin 6 trong 1 hoặc vacxin 5 trong 1 thì sẽ có 4 mũi tiêm:

  • 3 liều đầu tiên lúc 2 tháng ,3 tháng và 4 tháng.
  • 1 liều lúc 18 tháng.

2.2 Trẻ em và thanh thiếu niên từ 7 đến 18 tuổi

Trẻ cần tiêm nhắc lại 1 mũi vacxin Tdap ở tuổi 11 hoặc 12. Nếu con bạn bỏ lỡ mũi tiêm nhắc lại, hãy nói chuyện với bác sĩ để có kế hoạch bổ sung.

2.3 Người lớn từ 19 tuổi trở lên

Nếu chưa tiêm vacxin uốn ván khi còn nhỏ, thì nên tiêm 3 liều gồm 1 liều Tdap và 2 liều Td trong khoảng thời gian từ 7 đến 12 tháng.

Vì khả năng bảo vệ khỏi nhiễm trùng uốn ván sẽ mất dần theo thời gian, người lớn nên tiêm nhắc lại Td 10 năm một lần để duy trì sự bảo vệ.

Nếu bị vết cắt sâu hoặc vết bỏng, nên tiêm vacxin tăng cường sớm hơn. Các vết thương dễ bị uốn ván là:

  • Vết thương hoặc vết bỏng cần phẫu thuật nhưng không thể phẫu thuật trong vòng 24 giờ.
  • Vết thương hoặc vết bỏng mà một lượng đáng kể mô đã bị cắt bỏ, hoặc vết thương kiểu đâm thủng như vết cắn của động vật, đặc biệt là khi chúng đã tiếp xúc với đất hoặc phân.
  • Vết thương có bị bụi hoặc chất bẩn dính vào.
  • Gãy xương hở.
  • Vết thương và vết bỏng ở những người bị nhiễm trùng huyết toàn thân, tụt huyết áp do nhiễm vi khuẩn nghiêm trọng.

Xem thêm: Bác sĩ BV Nhi Đồng TPHCM chia sẻ lịch tiêm phòng mới nhất cho trẻ em

2.4 Phụ nữ mang thai

Với phụ nữ mang thai lần đầu, trước đó chưa tiêm phòng uốn ván hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ liều sẽ được tiêm 2 mũi Tdap.

vacxin-uon-van-lich-tiem-phong-cho-tung-do-tuoi-va-doi-tuong-voh-3
Phụ nữ mang thai nên tiêm vacxin uốn ván đúng lịch (Nguồn: Internet)

Với phụ nữ mang thai lần hai:

  • Trường hợp khoảng cách giữa 2 lần mang thai dưới 5 năm và đã tiêm đủ 2 liều uốn ván ở lần mang thai trước thì tiêm 1 liều uốn ván khi thai kỳ đủ 24 tuần.
  • Trường hợp khoảng cách giữa 2 lần mang thai trên 5 năm hoặc trước đó mới tiêm 1 liều uốn ván ở lần mang thai trước thì tiêm 2 liều uốn ván như mang thai lần đầu.

Xem thêm: Thời điểm tiêm phòng vắc-xin uốn ván cho bà bầu tốt nhất, bạn đã biết chưa?

3. Những người không nên tiêm vacxin uốn ván

Không nên tiêm phòng uốn ván nếu:

  • Bị dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào trong vacxin.
  • Đã từng có phản ứng nghiêm trọng với vacxin bạch hầu, uốn ván hoặc ho gà trong quá khứ.

Các trường hợp nên cân nhắc, hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm vacxin uốn ván:

  • Bị co giật hoặc các vấn đề về hệ thần kinh khác.
  • Bị đau nghiêm trọng hoặc sưng tấy sau khi tiêm bất kỳ loại vacxin bạch hầu, uốn ván hoặc ho gà nào.
  • Từng mắc hội chứng Guillain-Barré (một chứng rối loạn hệ thống miễn dịch).
  • Bị sốt hoặc đang điều trị bất cứ bệnh lý nào khác.

4. Tác dụng phụ của vacxin uốn ván

Giống như các loại vacxin nào khác, có rất ít khả năng vacxin uốn ván có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng. Các tác dụng phụ thường nhẹ và hết sau vài ngày. Chúng có thể bao gồm:

  • Đau, sưng hoặc đỏ ở nơi tiêm
  • Sốt nhẹ và ớn lạnh
  • Nhức đầu và đau nhức cơ thể
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn và tiêu chảy 
  • Chán ăn
  • Quấy khóc (ở trẻ em)

Rất hiếm, nhưng vắc-xin DTaP có thể gây ra các triệu chứng sau ở trẻ em:

  • Động kinh (khoảng 1 trẻ em trong 14.000)
  • Không ngừng khóc, trong 3 giờ hoặc hơn (khoảng 1 trẻ trong 1.000 trẻ)
  • Sốt cao, trên 40 độ C (khoảng 1 trẻ trong 16.000 trẻ)

Đến cơ sở y tế ngay nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng trên.

Mọi người ở mọi lứa tuổi nên tiêm phòng uốn ván. Lưu lại hồ sơ tiêm phòng cho bản thân cũng như gia đình để không bỏ sót bất cứ mũi tiêm nào. Ngoài ra, nếu có bất kì vết thương hở nào, hãy liên hệ với các bác sĩ để được tư vấn và tiêm vắc xin nếu cần.

Bình luận