Chờ...

Bắc Giang: Bắt nhóm lừa đảo qua mạng chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng

VOH - Gần 40 đối tượng độ tuổi từ 17 đến 25 bị Công an thành phố Bắc Giang và các lực lượng liên quan bắt giữ vì giả danh nhân viên ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại trên 30 tỷ đồng

Sau thời gian theo dõi, lập chuyên án, ngày 4/8 vừa qua, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Công an đồng loạt kiểm tra 7 căn hộ của một khu chung cư cao cấp thuộc huyện Gia Lâm và 2 địa điểm ở huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội phát hiện 37 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Ban chuyên án thu giữ 28 bộ máy vi tính, 31 thiết bị phát sóng Internet, 43 điện thoại di động các loại, 18 thẻ ngân hàng, 61 thẻ sim điện thoại và nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án.

Bắc Giang: Bắt nhóm lừa đảo qua mạng chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng 1
Tổ công tác kiểm tra, thu giữ vật chứng vụ án. Ảnh: Công an Bắc Giang

Các đối tượng có vai trò chủ mưu, cầm đầu được xác định gồm: Trần Văn Mạnh (SN 2002) ở An Tiến, Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. 

Các đối tượng có vai trò giúp sức tích cực như: Trần Văn Sỹ (SN 2002); Trần Long Vũ (SN 2002); Trần Văn Đạt (SN 1998); Nguyễn Bá Tuấn (SN 2004) đều ở An Tiến, Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Những đối tượng còn lại được tuyển vào làm nhân viên, nuôi ăn, ở, trả lương hàng tháng để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng dùng thủ đoạn thu mua các tài khoản Facebook ảo rồi dùng chạy quảng cáo nhằm tăng tương tác trên Facebook; tập trung gửi đăng quảng cáo vào các hội nhóm cho vay tiền; giả thông tin của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong việc hỗ trợ các gói vay với mức lãi suất ưu đãi, giải ngân nhanh trong ngày.

Các đối tượng còn đóng nhiều vai như nhân viên tư vấn, chăm sóc khách hàng, nhân viên thẩm định hồ sơ… để tư vấn, lập hồ sơ cho vay tiền. Yêu cầu người dân cần vay tiền phải chuyển các khoản tiền như: Phí giải ngân, phí bảo hiểm cho khoản vay… tới các tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định. 

Để có thể chiếm đoạt được nhiều tiền, nhiều lần, các đối tượng đã có kịch bản sẵn để bị hại chuyển tiền nhiều lần, số lượng lớn rồi chiếm đoạt, sau đó chặn liên lạc với bị hại.

Phí bảo hiểm khoản vay mà các đối tượng đưa ra đầu tiên là 950.000 đồng, sau đó, các đối tượng đưa ra nhiều kịch bản khác nhau như: Nội dung chuyển sai, khoản tiền có nợ xấu nên đã yêu cầu người vay phải chuyển nhiều lần; nhiều trường hợp chuyển nhiều lần lên tới trên 200 triệu đồng.

Lực lượng phá án xác định nhóm đối tượng này đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 30 tỷ đồng của hàng nghìn bị hại trên địa bàn toàn quốc.