Sự ngay thẳng, chính trực là nền tảng giúp con người thành công trong cuộc sống. Bàn về đức tính tốt đẹp này, cha ông ta có câu “Cây ngay không sợ chết đứng”. Do đó, muốn tạo dựng lòng tin với mọi người, chúng ta cần sống trung thực với chính mình và người khác, không lọc lừa, dối trá.
Ý nghĩa của câu tục ngữ “Cây ngay không sợ chết đứng” là gì?
Trong đời sống hàng ngày chúng ta vẫn thường nghe câu “Cây ngay không sợ chết đứng”, vậy câu nói ấy khuyên răn chúng ta điều gì? Liệu đằng sau câu tục ngữ ấy ẩn giấu bài học quý giá nào của người xưa không?
Theo nghĩa đen, “cây ngay” là cây mọc thẳng. Những loài cây mọc thẳng chẳng ngại bão táp mưa sa, vẫn đứng hiên ngang giữa trời đất, phát triển tươi tốt theo thời gian.
“Chết đứng” là chỉ trạng thái quá bất ngờ, khiến bản thân lặng người đi và không biết xử lý ra sao. Nhưng khi ứng dụng vào câu tục ngữ “Cây ngay không sợ chết đứng” thì nghĩa đen của từ “chết đứng” là cây không còn sự sống ngay khi nó vẫn tồn tại ở nơi mà nó từng sinh sôi và phát triển.
Với nghĩa bóng, “cây ngay” ám chỉ những người có lối sống trung thực, ngay thẳng, liêm khiết. Họ luôn sống, làm việc có trách nhiệm với bản thân và người khác, biết trên dưới, trước sau, không làm điều sai trái với chuẩn mực đạo đức con người. Còn “chết đứng” là chỉ cái chết oan khuất, không rõ ràng, minh bạch. Hiểu rộng ra là những hiểu lầm đáng tiếc gây nên hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến danh dự và nhân cách của mỗi cá nhân.
Vậy ý nghĩa trọn vẹn của câu “Cây ngay không sợ chết đứng” là nói đến người sống minh bạch, không làm việc trái lương tâm, không thẹn với lòng thì không cần phải sợ những tin đồn thất thiệt. Họ sẽ chẳng màng đến những lời vu khống, hãm hại của người có lòng dạ bất chính.
Chỉ có những kẻ sống gian dối, làm điều xấu mới cảm thấy chột dạ. Những người như thế thường không nhận được niềm tin từ người khác và đánh mất luôn uy tín, danh dự của bản thân.
Điển tích của người xưa cùng bài học - “Cây ngay không sợ chết đứng”
Khi nhắc đến câu tục ngữ “Cây ngay không sợ chết đứng”, người ta lại nhớ về một điển tích ngày xưa. Vào một ngày nọ, có anh tú tài đi ngang qua núi thì thấy bác tiều phu đốn củi. Anh chàng rất đỗi ngạc nhiên khi thấy bác chỉ đốn những cây thẳng nên bèn hỏi. Bác tiều phu lý giải rằng cây thẳng mới có giá trị, làm được nhiều việc quan trọng như làm cột nhà, còn cây cong chỉ có thể dùng làm củi đốt.
Cuộc gặp gỡ ấy cứ thế trôi qua dường như sắp chìm vào quên lãng. Nhưng khi anh chàng thi đỗ tú tài và làm quan thì gặp một vụ án khó. Dù tra khảo thế nào, người tù nhân vẫn kiên quyết không nhận tội. Chính sự kiên cường ấy đã làm anh ta nhớ đến nhớ đến câu chuyện năm xưa với bác tiều phu. Thế rồi anh ta đã rút ra được chân lý: Đúng là “Cây ngay không sợ chết đứng”.
Thật vậy, con người dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được để ngoại cảnh tác động làm thay đổi, phải giữ vững lập trường. Chỉ cần chúng ta sống ngay thẳng, trung thực, không thẹn với lương tâm cho dù cả thế giới có quay lưng lại, có nói mình sai thì bản thân cũng sẽ giữ mình và không để xã hội thay đổi.
Điển tích xưa như một lời nhắc nhở con người rằng chỉ cần sống trung thực, ngay thẳng thì không cần sợ những việc làm vu oan giá họa, những lời gièm pha ác ý của kẻ xấu. Khi chúng ta sống tốt, làm việc gì cũng biết phải trái, đúng sai thì cuộc sống cũng trở nên thanh thản, nhẹ nhàng.
Bài học về tục ngữ “cây ngay không sợ chết đứng” chính là muốn hướng con người đến một lối sống ngay thẳng, chính trực, đây cũng là lý tưởng sống cao đẹp mà mỗi người cần noi theo
Xem thêm:
Tìm hiểu ý nghĩa câu tục ngữ ‘Nước chảy đá mòn’
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Người ta là hoa đất” khuyên ta điều gì?
Giải thích câu tục ngữ ‘Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ’
Trung thực - Đức tính đáng quý của con người trong thời đại 4.0
Chẳng phải tự nhiên câu tục ngữ “Cây ngay không sợ chết đứng” được lưu truyền đến tận ngày nay. Đây vốn là một quan điểm của người xưa muốn truyền đạt các thế hệ sau về lối sống chính trực, trung thực của con người. Nó mang một thông điệp quý giá, một bài học sâu sắc dạy chúng ta cách làm người sao cho trong sạch, thẳng ngay.
Trong cuộc sống, khi sống trung thực và ngay thẳng sẽ mang đến cho chúng ta cảm giác thoải mái, an yên cho tâm hồn. Không những thế, chúng ta còn được mọi người tin tưởng, quý mến, tạo nên uy tín và khẳng định giá trị của bản thân. Từ đó, chúng ta sẽ thấy cuộc sống này nhẹ nhàng và tốt đẹp hơn rất nhiều vì mọi người đối đãi với nhau bằng một trái tim chân thành.
Thế nhưng, cuộc sống hiện đại ngày nay, mấy ai giữ được tấm lòng trong sạch, liêm khiết, chính trực của mình. Những kẻ sống giả dối, lọc lừa sẽ đánh mất niềm tin của những người xung quanh. Thậm chí là đánh mất uy tín và cả danh dự của bản thân. Họ sẽ trở nên tầm thường và thấp kém trong ánh mắt của người thân, bạn bè, đồng nghiệp,... Họ sẽ bị chột dạ, sẽ bị “tai bay vạ gió” bởi những lời gièm pha, lời đánh giá của mọi người.
Từ xưa đến nay, trung thực, ngay thẳng luôn là một đức tính tốt đẹp cần giữ gìn và phát huy. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên biết trung thực đúng lúc, đúng nơi, bởi chưa hẳn cứ “cây ngay” thì “không sợ chết đứng”. Đôi khi những lời nói thật lòng của chúng ta nếu không khéo léo, tinh tế cũng sẽ làm tổn thương đến lòng tự trọng của mọi người.
Đặc biệt trong một vài trường hợp, thẳng thắn quá mức sẽ khiến chúng ta thua thiệt, thậm chí gây khó chịu cho người xung quanh. Do đó, trong giao tiếp giữa người với người hãy cư xử, ăn nói một cách tế nhị, khéo léo để tránh gây ra những hiểu lầm đáng tiếc.
Tóm lại, với những triết lý sâu sắc ẩn giấu đằng sau câu tục ngữ “Cây ngay không sợ chết đứng” giúp chúng ta rất nhiều trong việc sống sao cho có ích để được mọi người quý mến và tin tưởng. Hãy luôn là chính mình, giữ vững lập trường, sống không thẹn với lòng để những giá trị tốt đẹp của bản thân luôn trường tồn mãi với thời gian.
Đừng quên theo dõi VOH Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.