Ý nghĩa thành ngữ “Chân nam đá chân chiêu” và sự dị bản theo thời gian

VOH - “Chân nam đá chân chiêu” là câu thành ngữ được sử dụng rất phổ biến trong đời sống hàng ngày, thế nhưng, ít ai biết rằng câu thành ngữ ấy đã bị “tam sao thất bản” qua thời gian.

Bấy lâu nay, có lẽ nhiều người dựa vào ý nghĩa từ “đá” và từ “chân” nên hầu như ai cũng hiểu đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của câu thành ngữ “Chân nam đá chân chiêu”. Thế nhưng, đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao lại gọi là “chân nam” và “chân chiêu” chưa?

“Chân nam đá chân chiêu” là gì?

“Chân nam đá chân chiêu” hay “Chân nam đá chân xiêu” là câu thành ngữ quen thuộc với nghĩa đen chính là “chân nọ đá vào chân kia” và nghĩa bóng của nó thường dùng để mô tả trạng thái đi đứng lảo đảo, xiêu vẹo, không vững vàng.

Ngoài ra, thành ngữ “Chân nam đá chân chiêu” còn chỉ hành động đi đứng một cách vội vàng, tất tưởi. Mà như nhà thơ Nguyễn Khuyến đã từng viết: “Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tưởi chân nam chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc”.

voh-chan-nam-da-chan-chieu-1

“Chân nam đá chân chiêu” vốn là một câu thành ngữ quen thuộc với nhiều người. Sự quen thuộc này có lẽ nhờ vào ý nghĩa của từ “đá” và từ “chân” mà đa phần mọi người đều hiểu đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của câu thành ngữ.

Thế nhưng, khi được hỏi vì sao lại gọi là “chân nam” và “chân chiêu” thì chắc hẳn không phải ai cũng giải thích được, bởi vốn dĩ câu thành ngữ này đã bị “tam sao thất bản” qua thời gian.

“Chân nam đá chân xiêu” hay “Chân đăm đá chân chiêu”?

Mặc dù câu “Chân nam đá chân xiêu” tương đối phổ biến và được nhiều người biết đến, tuy nhiên câu thành ngữ đúng lại là “Chân đăm đá chân chiêu”. Từ “nam” và “xiêu” thực ra chính là từ “đăm” và “chiêu” được người dân đọc chệch mà thành.

Đầu tiên, khi đưa hai từ “nam” và “chiêu” vào để phân thích thì ta thấy rõ ràng hai từ này chẳng phải là một cặp đối nhau (kiểu trên/dưới hay trong/ngoài hoặc nam/bắc…) và sự kết hợp của chúng ở câu thành ngữ cũng chẳng ăn nhập gì, bởi chẳng ai biết “chân nam” là chân gì?

Khi xét đến từ “đăm” và “chiêu” thì theo từ điển Đại Nam quốc âm dư vị của Huỳnh Tịnh Của có giải thích: “Đăm” và “chiêu” là hai từ cổ thuần Việt có nghĩa là “bên phải” và “bên trái”. Cụ thể ông viết: “đăm” là tay hữu (tay phải); “chiêu” là tay tả (tay trái). Như vậy “đăm” và “chiêu” là tổ hợp trái nghĩa có nghĩa là phải/trái: Chẳng cần nhìn ngó đăm chiêu làm gì, cứ thế mà làm cho xong việc.

“Đăm” và “chiêu” còn được sử dụng trong ca dao tục ngữ như: “Tay chiêu đập niêu không vỡ, đánh vợ không đau, bẻ cau không đứt” hay “Gà kia mày gáy chiêu đăm/ Để chúa tao nằm, tao ngủ chút nao”.

Như vậy, có thể thấy nguyên gốc của câu thành ngữ “Chân nam đá chân xiêu” chính là “Chân đăm đá chân chiêu”, tức chân phải đá chân trái để chỉ trạng thái đứng không vững vàng.

Vì sao người say rượu lại “Chân nam đá chân xiêu”?

Không rõ từ khi nào thành ngữ “Chân đăm đá chân chiêu” lại bị đọc chệch thành “Chân nam đá chân xiêu” và do đâu mà có sự biến đổi ngữ âm đăm = nam, chiêu = xiêu?

Thê nhưng, trong đời sống đã có rất nhiều người nhầm lẫn và họ thường dùng câu thành ngữ “Chân nam đá chân xiêu” để chỉ những người say sỉn, đi đứng không vững vàng.

Có lẽ vì ý nghĩa của từ “xiêu” gắn liền với sự nghiêng ngả, xiêu vẹo. Nó hoàn toàn phù hợp để diễn tả dáng đi loạng choạng của những người say xỉn hoặc vội vàng tất tưởi, vụng về…

Một số người đùa rằng, có vẻ như một anh chàng say “tít cung thang” nào đó đã “góp phần” làm cho dân gian nói lệch đi câu thành ngữ độc đáo này: “Chàng say dáng điệu xiêu xiêu/Chàng ta “đá” lệch” chữa “chiêu” quen dùng.”. Và sự sai lệch đó đã tạo nên câu “Chân nam đá chân xiêu” cho đến ngày hôm nay.

voh-chan-nam-da-chan-chieu-2

Một số ca dao, tục ngữ nói về tướng người qua dáng đi

Trong dân gian hay dùng câu “Chân nam đá chân xiêu” để chỉ những người say xỉn, tướng đi xiêu vẹo không vững vàng. Bên cạnh đó, người xưa còn để lại rất nhiều câu ca dao tục ngữ hay giúp xem tướng người thông qua dáng đi.

  • Tướng đi chậm rãi giọng nói lớn trầm
    Có nhiều tiền bạc không làm vẫn yên.
  • Người mà tay ngắn chân dài
    Làm ăn vất vả cực hoài tấm thân.
  • Tướng đi uốn khúc mình xà
    Trai thì đơn lẻ gái qua nhiều chồng.
  • Tướng đi chân bước hai hàng
    Giang hồ sinh kế giàu sang bất ngờ.
  • Da ngăm mặt bủng môi chì
    Trai thì sát vợ, gái ni sát chồng.
  • Tướng đi tay ngoắc đằng sau
    Trai thì cô độc giàu tình nhân.
  • Lỗ mũi mà hứng hạt mưa
    Phụ ấm để thừa tài sản cũng tiêu.
  • Má hồng don nhọn trái đào
    Trai giàu tình ái, gái giàu tình nhân.
  • Mắt mà ti hí mắt lươn
    Trai thì gian trá giá luôn gạt người.
  • Miệng cười má đỏ trái hồng
    Răng đều hạt bắp là hàng phu nhân.
  • Trán cao vuông rộng sơn đình
    Trai thì trung tính, gái thì lòng son.

Trên đây là ý nghĩa thành ngữ “Chân nam đá chân chiêu” cũng như hiểu được chính xác đâu là câu thành ngữ gốc ban đầu. Hy vọng nội dung bài viết đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.