Chờ...

Giải thích câu tục ngữ "Chị ngã em nâng" dạy chúng ta điều gì?

VOH - “Chị ngã em nâng” là câu tục ngữ được cha ông ta lưu truyền từ xa xưa. Vậy, câu tục ngữ “Chị ngã em nâng” có nghĩa là gì?

Chúng ta thường nghe mọi người nhắc đến câu “Chị ngã em nâng”. Vậy câu tục ngữ “Chị ngã em nâng” có nghĩa là gì? Hãy cùng VOH tìm hiểu câu tục ngữ "Chị ngã em nâng" nhé!

“Chị ngã em nâng” là gì?

Kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam rất đa dạng và vô cùng phong phú. Mỗi câu tục ngữ đều ẩn ý những bài học mà cha ông muốn lưu truyền lại để răn dạy con cháu đời sau. Vậy, “Chị ngã em nâng” có hàm ý gì?

Xét theo nghĩa đen, “ngã” là hành động một người bị bất ngờ mất thăng bằng và tiếp xúc với mặt đất. “Nâng” là hành động nhẹ nhàng giúp người bị ngã đứng dậy. Câu tục ngữ gợi hình ảnh của người em lo lắng, giúp chị đứng lên khi chị vấp ngã.

Xét về nghĩa bóng, hình ảnh “chị” và “em” còn thể hiện mối quan hệ của những người cùng chung huyết thống, sinh ra và lớn lên trong cùng một gia đình. “Ngã" được hiểu rộng ra là những khó khăn, thách thức mà một người gặp phải trong cuộc sống. "Nâng" được hiểu là sự giúp đỡ, nâng đỡ người khác khi người nào đó gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ.

Như vậy, câu tục ngữ “Chị ngã em nâng” ngụ ý nói về tinh thần tương thân tương ái, sự ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau của chị em ruột thịt, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thất bại trong cuộc đời.

Giải thích câu tục ngữ
“Chị ngã em nâng” chỉ sự giúp đỡ lẫn nhau của chị em trong gia đình - Ảnh: Internet

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” là gì?
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’ nói đến điều gì?
Giải thích ý nghĩa tục ngữ 'Có chí làm quan có gan làm giàu' là gì?

Bài học từ câu tục ngữ “Chị ngã em nâng”

Hiểu rộng hơn, câu tục ngữ “Chị ngã em nâng” không chỉ bàn về tầm quan trọng của tình yêu thương, sự giúp đỡ giữa chị em ruột thịt. Đằng sau câu tục ngữ này còn chứa một ý nghĩa lớn lao về sự giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau giữa anh chị em, người thân họ hàng trong gia đình. Vậy, câu tục ngữ “Chị ngã em nâng” mang đến bài học gì?

Câu tục ngữ “Chị ngã em nâng” là một trong những câu nói được cha ông ta vận dụng từ ngàn đời xưa và cho đến nay vẫn có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống. Câu tục ngữ mang hàm ý về việc khi một người trong gia đình gặp khó khăn thì các thành viên sẽ sẵn sàng ra tay giúp đỡ.

Cuộc sống luôn tiềm tàng những khó khăn, thử thách để con người được tôi luyện, trưởng thành hơn. Chúng ta không thể nào tránh khỏi những thời điểm khó khăn tưởng chừng như đã bị cuộc đời “quật ngã”. Khi gặp khó khăn, gia đình chính là chốn bình yên, là nơi dang rộng vòng tay đón chúng ta quay về. Lời động viên, sự sẻ chia, giúp đỡ từ những người thân yêu trong gia đình sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ “nâng” chúng ta lên, cho ta sức mạnh để kiên cường bước tiếp, chinh phục mọi thử thách. 

Bil Keane từng nói: “Người ta phát minh ra cái ôm để bạn cho người khác biết bạn yêu họ mà không cần nói bất cứ điều gì”. Một cái ôm, một lời nói an ủi, tiếp thêm động lực cũng chính là sự “nâng” mà câu tục ngữ “Chị ngã em nâng” muốn truyền tải. Nâng đỡ, sẻ chia với một người đôi lúc chỉ bằng sự lắng nghe, đồng cảm và thấu hiểu.

Giải thích câu tục ngữ
Tình yêu thương của người thân chính là nguồn động lực to lớn nâng đỡ ta đứng dậy lúc khó khăn - Ảnh: Narconon

Câu tục ngữ “Chị ngã em nâng” cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh mọi người phải biết giữ gìn tình cảm gia đình. Câu tục ngữ này không chỉ đề cao tình nghĩa giữa những con người cùng chung huyết thống với nhau, đồng thời còn răn dạy ta cần phải trân quý tình cảm này, luôn xem trọng và chăm chút cho nó. Chúng ta cần phải có cách cư xử đúng đắn với chị em, anh chị em trong gia đình, họ hàng thân thích.

Những hành động yêu thương, giúp đỡ của anh chị em sẽ giúp cho tình cảm gia đình thêm khăng khít, gắn bó. Những hạt giống tình yêu nảy mầm từ mỗi gia đình sẽ giúp tạo nên một xã hội ấm áp tình yêu thương. Bởi vì “gia đình là tế bào của xã hội”, gia đình hòa thuận, hạnh phúc thì xã hội mới phồn vinh, bền vững.

Khi nói về tinh thần tương thân tương ái, câu tục ngữ “Chị ngã em nâng” cũng lên án những người sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân. Sống có tình nghĩa, giúp đỡ lẫn nhau sẽ giúp các mối quan hệ trong gia đình và xã hội thêm tốt đẹp.

Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về tình cảm anh chị em trong gia đình

Kho tàng tục ngữ, thành ngữ Việt Nam có rất nhiều câu nói về anh chị em ruột thịt trong gia đình. Đây là một loại tình cảm thiêng liêng và đáng trân trọng. Đến với những câu tục ngữ, thành ngữ về anh chị em trong gia đình dưới đây, bạn sẽ thấy được rõ nét hơn về tình cảm quý giá này.

Tục ngữ, thành ngữ về tình cảm anh chị em trong gia đình

Bên cạnh câu tục ngữ "Chị ngã em nâng”, ông cha ta vẫn còn rất nhiều câu tục ngữ, thành ngữ đề cao tình thân ruột thịt, tình cảm gia đình. Dưới đây là một số câu tục ngữ, thành ngữ về tình cảm anh chị em hay nhất.

  1. Một giọt máu đào hơn ao nước lã
  2. Máu chảy ruột mềm
  3. Anh em thuận hòa là nhà có phúc
  4. Anh em như chông như mác
  5. Anh em hạt máu sẻ đôi
Giải thích câu tục ngữ
  1. Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau
  2. Em khôn cũng là em chị, chị dại cũng là chị em
  3. Cắt dây bầu dây bí, ai nỡ cắt dây chị dây em
  4. Anh ngủ em thức, em chực, anh đi nằm
  5. Anh em chém nhau đằng sống, không chém nhau đằng lưỡi
  6. Anh em khinh trước, làng nước khinh sau
  7. Anh em ghét nhau, ốm đau tìm đến
  8. Đi việc làng giữ lấy họ, đi việc họ giữ lấy anh em
  9. Chẳng khôn thể chị lâu ngày, chị đái ra váy cũng tày em khôn

Ca dao nói về tình anh chị em trong gia đình

Mối quan hệ giữa anh chị em trong gia đình vốn dĩ là một trong những mối quan hệ thiêng liêng và cao đẹp. Tình cảm anh chị em cũng xuất hiện rất nhiều trong ca dao Việt Nam. Cùng đến với những câu ca dao nói về tình anh chị em hay nhất.

  1. Anh em như thể chân tay
    Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.
  2. Khôn ngoan đối đáp người ngoài
    Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
    .
  3. Anh em hiếu thảo thuận hiền
    Chớ vì đồng tiền mà mất lòng nhau.
  4. Anh em nào phải người xa,
    Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.
    Yêu nhau như thể tay chân,
    Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.
  5. Anh em hiền thật là hiền
    Bởi một đồng tiền nên mất lòng nhau.
Giải thích câu tục ngữ
  1. Anh em trên kính dưới nhường
    Là nhà có phúc, mọi đường yên vui.
  2. Có tình thì đãi người dưng
    Anh em bất nghĩa thì đừng anh em.​
  3. Anh em ăn ở thuận hoà
    Chớ điều chếch lệch người ta chê cười.​
  4. Anh em chín họ mười đời
    Hai đằng cùng có, chẳng rời nhau ra​.
  5. Ai ơi giữ chí cho bền
    Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai
    Xin đừng làm, nói đơn sai
    Tin mình đừng sợ những lời dèm pha
    Anh em một họ một nhà
    Thương nhau chân thật đường xa cũng gần.
  6. Anh em một khí huyết dây (huyết phân)
    Cũng như người có chân tay (tay chân) khác gì.
    Ai ơi lấy đấy mà suy
    Có câu đường lệ trong thi để truyền.
  7. Anh em chín họ mười đời
    Hai đằng cùng có, chẳng rời nhau ra.
  8. Làm người phải biết cương thường
    Xem trong ngũ đẳng quân vương đứng đầu
    Thờ cha kính mẹ trước sau
    Anh em hòa thuận mới hầu làm nên.
  9. Anh em ăn ở thuận hoà
    Chớ điều chếch lệch người ta chê cười.​
Giải thích câu tục ngữ
  1. Anh em chồng vợ sum vầy
    Vui này đã bỏ những ngày chia ly.
  2. Anh em như tre cùng khóm,
    Chị em gái như trái cau non.
  3. Anh em bất nghĩa chi khoèo
    Anh dữ như mèo, tôi lại như trâu.
  4. Làm anh ăn trước, bước đầu
    Dạy dỗ em út ngõ hầu thay cha.
  5. Ơn cha mẹ trời cao khôn thấu
    Nghĩa anh em xương cốt ruột rà
    Muốn cho trên thuận dưới hòa
    Chẳng thà chịu nhục hơn là rẽ nhau.
  6. Chị em một ruột cắt ra
    Chị không em có cũng là như không.
  7. Tuy rằng xứ Bắc, xứ Đông
    Khắp trong bờ cõi cũng dòng anh em.
  8. Anh em cốt nhục đồng bào
    Kẻ sau người trước phải hào cho vui.

Xem thêm:
50 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về tình anh em ruột thịt đầy ý nghĩa có từ ngàn xưa
250 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về tình cảm gia đình hạnh phúc
Chùm thơ, ca dao, tục ngữ về chị em dâu sâu sắc

Ca dao, tục ngữ về anh em ngoài xã hội

Khi nói về tình cảm anh chị em, ta không chỉ gói gọn trong mối quan hệ gia đình ruột thịt mà còn là mối quan hệ bên ngoài xã hội. Cùng VOH đến với một số ca dao, tục ngữ về anh em xã hội.

  1. Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.
  2. Anh em bốn bể là nhà
    Người dưng khác họ vẫn là anh em.
  3. Thói thường gần mực thì đen
    Anh em bạn hữu phải nên chọn người
    Những người lêu lổng chơi bời
    Cùng là lười biếng ta thời tránh xa.
  4. Khi nghèo thì chẳng ai nhìn
    Đến khi đỗ trạng chín nghìn anh em.
Giải thích câu tục ngữ
  1. Anh em cốt nhục đồng bào
    Kẻ sau người trước phải hào cho vui
    Lọ là ăn thịt ăn xôi
    Quý hồ ở nết tới lui bằng lòng.​
  2. Có tình thì đãi người dưng
    Anh em bất nghĩa thì đừng anh em.​
  3. Bầu ơi thương lấy bí cùng
    Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
    .
  4.  Anh em nào phải người xa
    Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân.

Một số câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về tình yêu thương con người

Yêu thương con người là truyền thống được nhân dân ta rất coi trọng từ xưa đến nay. Nét đẹp này được gửi gắm trong rất nhiều câu ca dao tục ngữ, với hy vọng lớp trẻ ngày sau hãy biết yêu thương những người xung quanh mình. Cùng VOH đến với một số câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về tình yêu thương dưới đây. 

  1. Thương người như thể thương thân
  2. Lá lành đùm lá rách
  3. Một miếng khi đói bằng một gói khi no
  4. Nhường cơm, sẻ áo
  5. Yêu nhau chín bỏ làm mười
  6. Cứu một mạng người hơn xây bảy tháp phù đồ
  7. Chia ngọt sẻ bùi
  8. Kính già, già để tuổi cho
  9. Ngựa chạy có bầy, chim chạy có bạn
  10. Môi hở răng lạnh
Giải thích câu tục ngữ
  1. Nhiễu điều phủ lấy giá gương
    Người trong một nước phải thương nhau cùng.
  2. Có anh có chị mới hay
    Không anh không chị như cây một mình.
  3. Dẫu xây chín bậc phù đồ
    Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người.
  4. Thấy ai đói rách thì thương
    Rét thường cho mặc đói thường cho ăn.

Hy vọng bài viết trên đã lý giải được câu tục ngữ “Chị ngã em nâng” cũng như những ý nghĩa sâu sắc mà câu tục ngữ này muốn truyền tải. Yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau là truyền thống đạo đức tốt đẹp đã có từ ngàn đời xưa của ông cha ta. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, những thế hệ mai sau đã và đang duy trì bằng những hành động thiết thực từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Điều này sẽ giúp lan tỏa tình yêu thương, xã hội phát triển ngày một tốt đẹp hơn.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.